Các ngân hàng Trung Quốc cấp hàng tỷ đô la cho ngân hàng Nga sau lệnh trừng phạt của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp hàng tỷ USD cho các ngân hàng Nga khi các tổ chức phương Tây rút khỏi hoạt động tại nước này.
Các ngân hàng Trung Quốc cấp hàng tỷ đô la cho ngân hàng Nga sau lệnh trừng phạt của phương Tây

Động thái của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm quảng bá đồng nhân dân tệ như một tiền tệ toàn cầu thay thế cho đồng đô la.

Theo dữ liệu chính thức mới nhất của Kyiv School of Economics, mức độ tiếp cận của Trung Quốc với lĩnh vực ngân hàng Nga đã tăng gấp bốn lần trong 14 tháng tính đến cuối tháng 3/2023.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã tăng tổng mức đầu tư vào Nga từ 2,2 tỷ USD lên 9,7 tỷ USD trong 14 tháng tính đến tháng 3/2023.

Trong cùng kỳ, Ngân hàng Raiffeisen của Áo - ngân hàng nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất vào Nga - đã tăng tài sản ở nước này lên hơn 40%, từ 20,5 tỷ USD lên 29,2 tỷ USD. Raiffeisen cũng cho biết, họ đang tìm cách rút khỏi Nga và đã giảm mức đầu tư xuống còn 25,5 tỷ USD kể từ tháng 3.

Động thái của các ngân hàng Trung Quốc là một phần trong những nỗ lực của Nga trong việc sử dụng đồng nhân dân tệ thay vì đồng đô la Mỹ hay euro làm tiền tệ dự trữ.

Andrii Onopriienko, Phó giám đốc phát triển của Kyiv School of Economics cho biết: “Các khoản vay của các ngân hàng Trung Quốc dành cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng Nga, phần lớn là do đồng nhân dân tệ thay thế đồng đô la và euro, điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng”.

Sự gia tăng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ làm nổi bật chiến lược xoay trục kinh tế của Nga sang Trung Quốc khi thương mại giữa hai nước đạt kỷ lục 185 tỷ USD vào năm 2022.

Trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra năm ngoái, hơn 60% giao dịch thanh toán của Nga cho hàng xuất khẩu của nước này được thực hiện bằng đồng đô la và đồng euro, trong đó đồng nhân dân tệ chỉ chiếm chưa đến 1%.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, các loại tiền tệ chính trước đó như đồng đô la và euro đã giảm xuống chỉ còn chưa đến một nửa hoạt động thanh toán xuất khẩu, trong khi đồng nhân dân tệ chiếm 16%.

Raiffeisen là một trong số ít các ngân hàng phương Tây vẫn hiện diện đáng kể ở Nga, sau khi một số ngân hàng nước ngoài khác cắt đứt quan hệ và bán các công ty con vào năm ngoái.

Nhưng những cải cách do Nga đưa ra vào mùa Hè năm ngoái đã khiến các ngân hàng nước ngoài gặp khó khăn hơn nhiều trong việc bán các công ty con ở Nga. Hôm thứ Sáu (1/9), Thứ trưởng tài chính Nga Alexei Moiseev đã tái khẳng định quan điểm của chính phủ trong việc cản trở việc bán hàng của ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang gia tăng áp lực buộc những ngân hàng mà họ giám sát, bao gồm cả Raiffeisen phải rời khỏi Nga.

Raiffeisen cho biết, họ đang cố gắng tìm cách bán hoặc tách hoạt động kinh doanh tại Nga của mình trong khi vẫn tuân thủ luật pháp và quy định địa phương và quốc tế.

“Chúng tôi cam kết giảm hơn nữa hoạt động kinh doanh ở Nga trong khi chúng tôi tiếp tục thực hiện các giao dịch tiềm năng như vậy”, Raiffeisen cho biết thêm.

Nhìn chung, tỷ lệ tài sản ngân hàng Nga do các ngân hàng nước ngoài nắm giữ đã giảm từ 6,2% xuống 4,9% trong 14 tháng tính đến tháng 3/2023.

Hạc Hiên
Theo FT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục