Các ngân hàng nên cung cấp thêm dịch vụ tư vấn ESG

(ĐTCK) Bên cạnh việc định hình phương hướng và thiết lập được hệ thống trong thực thi ESG, các ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cố vấn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Chia sẻ tại Hội thảo "ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, nhìn nhận dưới góc độ của ngân hàng và ngành tài chính về tăng trưởng xanh thì đã có bước chuyển căn bản tại thị trường Việt Nam.

Trước đây, ngân hàng chỉ quan tâm đến khả năng trả nợ và năng lực tài chính của người đi vay, còn các yếu tố như tăng trưởng xanh hay ESG là các yếu tố phi tài chính. Tuy nhiên, phi tài chính là yếu tố mới mang tính hệ thống và hiện các ngân hàng có nhu cầu hiểu rõ nội hàm của các yếu tố này trong vận hành.

Lý giải cụ thể hơn, ông Hùng cho biết, có 2 cách nhìn nhận yếu tố liên quan tới ESG. Yếu tố thứ nhất tạm gọi là yếu tố sàn, tức là nhìn nhận ở góc độ quản trị rủi ro. Trước đây, đánh giá năng lực trả nợ chỉ đánh giá năng lực quản trị rủi ro về tài chính, tức khả năng có trả nợ được không và nếu vỡ nợ thì thu hồi được bao nhiêu. Hiện nay, khi đánh giá rủi ro về ESG, đây không phải là rủi ro tài chính, nhưng nếu xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình trạng tài sản, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ… Như vậy, quản trị rủi ro của các yếu tố ESG có ảnh hưởng tới khả năng quản trị rủi ro tài chính của ngân hàng.

Thứ hai là yếu tố trần, tức là có những đóng góp tích cực. Chẳng hạn, các yếu tố chống biến đổi khí hậu, xử lý ô nhiễm môi trường, đóng góp vào phát triển xã hội, đóng góp vào nâng cao năng lực quản trị…, đây là kết quả hoạt động của doanh nghiệp và trong điều kiện thông thường, ngân hàng không cần quá quan tâm tới lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ngân hàng làm thế nào để đo được những kết quả tích cực ở góc độ môi trường, biến đổi khí hậu, quản trị… của doanh nghiệp, đây đều là những diễn biến tương đối mới và không nằm trong sự kiểm soát của ngân hàng, bản thân ngân hàng cũng phải thu nhận các thông tin báo cáo từ doanh nghiệp.

Ông Hùng cho rằng, ngân hàng là những đơn vị tiên phong đi trước, đi sớm hơn so với thị trường chung. Do đó, bên cạnh việc định hình phương hướng và thiết lập được hệ thống trong thực hành ESG, các ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cố vấn cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ dịch vụ tư vấn của ngân hàng và bản thân ngân hàng. Đặc biệt, khi có quan hệ sâu hơn với doanh nghiệp thì ngân hàng vừa có thể thu về dịch vụ tư vấn, vừa có thể hiểu rõ hơn hoạt động của doanh nghiệp, thu thập thông tin tốt hơn từ hoạt động của doanh nghiệp, từ đó củng cố hoạt động ESG của ngân hàng.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh thực thi áp dụng ESG cho ngành ngân hàng, ông Hùng kiến nghị, nên có cả cơ chế khuyến khích lẫn chế tài. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, việc bắt buộc thực thi ESG được lồng ghép vào khung quản trị rủi ro của ngân hàng, coi ESG là một trong các thành tố quản trị rủi ro.

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục