Cụ thể, OCB nhận được quyết định cấp hạn mức tín dụng cao nhất 25% từ NHNN. Theo lãnh đạo OCB, quyết định trên dựa vào kết quả hoạt động nhiều khởi sắc của OCB trong thời gian qua.
“Với room tín dụng được nâng lên hạng mức cao nhất, các hoạt động tín dụng năm 2016 của OCB được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết. Theo đó, OCB sẽ tăng cường các gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân và DN trong thời gian tới. Dự kiến năm nay, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 31%; tổng dư nợ tín dụng tăng 44%; tổng huy động thị trường 1 tăng 46%; tổng lượng khách hàng tăng 43%.
Tăng trưởng tín dụng năm 2016 của hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ cao hơn so với mức tăng trưởng trong năm 2015 (khoảng 18-20%), nhưng sẽ không có sự đột biến.
Với kế hoạch năm 2016, ABBank dự định nâng tổng tài sản lên 70.000 tỷ đồng, tăng 8% so với kết quả thực hiện năm 2015; vốn điều lệ đạt 5.320 tỷ đồng, tăng 11%; dư nợ (thị trường 1 và 2) đạt 45.632 tỷ đồng, tăng 11%; huy động (thị trường 1 và 2) đạt 58.305 tỷ đồng, tăng 2%; lợi nhuận trước thuế 214,5 tỷ đồng, gần gấp đôi kết quả thực hiện năm 2015; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ 2 thị trường ở mức 1,78%.
Năm 2016, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20%, cao hơn toàn ngành. Trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2013-2018, ACB đặt ra mức tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn giai đoạn là 18%.
Theo lãnh đạo ACB, dự thảo Thông tư 36/2014/TT-NHNN sửa đổi quy định dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống còn 40%, tuy nhiên, hiện tỷ lệ này tại ACB chỉ ở mức 27%, không ảnh hưởng trong ngắn hạn, song dài hạn có thể ảnh hường, nên ACB đang nghiên cứu phương án khai thác và điều chỉnh dòng vốn hiệu quả.
Đồng thời, với việc tăng hệ số cho vay bất động sản từ 150% lên 250%, thì năng lực cho vay của ACB cũng ít bị ảnh hưởng, bởi dư nợ cho vay bất động sản tại ACB xấp xỉ 2.500 tỷ đồng, không lớn so với tổng dư nợ chung. Do vậy, dự thảo Thông tư 36 không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính hay cho vay của ACB trong năm nay.
Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, năm 2016, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có triển vọng khá tích cực khi lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo,… đặc biệt, cơ hội phát triển từ việc gia nhập các hiệp định thương mại với các nước cùng với sự gia tăng của vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, GDP năm 2016 được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6,7%, cao hơn so với mức tăng trưởng của năm 2015.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam 2016 cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức không nhỏ từ quá trình hội nhập, bất ổn từ kinh tế thế giới (tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, bất ổn chính trị xã hội ở Trung Đông và châu Âu), tác động từ giảm giá dầu thô và vấn đề về bội chi ngân sách nhà nước,…
Với những yếu tố này, cầu về đầu tư, tăng trưởng tiếp tục tăng lên. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm 2016 của hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ cao hơn so với mức tăng trưởng trong năm 2015 (khoảng 18-20%), nhưng sẽ không có sự đột biến.
Trả lời ĐTCK, lãnh đạo ABBank cho hay, theo chu kỳ kinh doanh thông thường, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tháng đầu năm đều có sự giảm so với các tháng cuối năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, số lượng giao dịch thanh toán quốc tế của ABBank trong 2 tháng đầu năm 2016 tăng khoảng 11%. Doanh số tài trợ xuất nhập khẩu cũng tăng tới 45%.
Từ số liệu này cho thấy, nhu cầu vay vốn của DN xuất nhập khẩu ở ABBank vẫn cao và có xu hướng tăng. Nhưng trong thời gian tới, xu hướng này có thể bị tác động do chính sách tiếp tục hạn chế mục đích được vay ngoại tệ, chuyển sang chỉ được vay bằng VND.
Với các khách hàng xuất nhập khẩu được giải ngân bằng ngoại tệ theo quy định, ABBank có chính sách lãi suất, phí linh hoạt, cạnh tranh tùy theo từng đối tượng khách hàng. Mặt khác, ABBank đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 18-20% là phù hợp trước cầu tín dụng đang có dấu hiệu tăng. So với trước đây, cạnh tranh trong cho vay vốn đang dần tạo ra thuận lợi cho các DN khi có nhu cầu sử dụng vốn vay.
Hiện ngân hàng đang chủ động đi tìm DN để cho vay vốn, nhất là các DN có “sức khỏe” tốt, đều được ngân hàng chăm sóc, với mức lãi suất ưu đãi hơn, thay vì DN đôi khi phải o bế ngân hàng như trước đây. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, nếu kích thích được cầu vốn, cần xem xét giảm lãi vay trung, dài hạn.
Trong khi đó, các ý kiến đưa ra từ lãnh đạo nhà băng, khả năng lãi suất vốn vay trung, dài hạn sẽ khó giảm, nếu NHNN sớm bán hành dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Thực tế cho thấy, gần đây, các nhà băng bắt đầu tăng lãi suất huy động vốn trung, dài hạn để cân đối lại nguồn vốn, khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã tăng cao.