Các khu công nghiệp Cần Thơ: Tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn

Trước tình hình thu hút đầu tư chững lại, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đang tập trung cải cách hành chính, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Các khu công nghiệp Cần Thơ: Tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, trong 3 tháng đầu năm nay, các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 2 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 21 triệu USD.

Tính đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp Cần Thơ có 211 dự án còn hiệu lực, thuê 688 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,891tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 844,7 triệu USD, chiếm 43,65% tổng vốn đăng ký. Trong đó, có 188 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1,689 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện là 676,956 triệu USD, chiếm 40,08% vốn đăng ký; 23 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 203,536 triệu USD, vốn thực hiện đạt 167,8 triệu USD, chiếm 82,43% tổng vốn đăng ký.

Thu hút nhà đầu tư mới vào khu công nghiệp còn ít, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Cần Thơ vẫn ổn định và có bước tăng trưởng. Trong quý I/2014, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ đạt trên 404 triệu USD. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 286,895 triệu USD; dịch vụ - thương mại đạt 117,419 triệu USD; xuất khẩu đạt 168,558 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2013. Các doanh nghiệp hoạt động tương đối ổn định, nên đã thu hút thêm 1.229 lao động, nâng tổng số lao động đang làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ lên 32.549 người.

Các khu công nghiệp Cần Thơ được xem là có lợi thế lớn về thu hút đầu tư do được quy hoạch xây dựng ở các vị trí thuận tiện về giao thông đường thủy, đường bộ, nằm ở trung tâm của vùng nguyên liệu nông - thủy - hải sản và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Cần Thơ thời gian gần đây chững lại, theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, một phần do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, mặt khác TP. Cần Thơ nói chung và các khu công nghiệp Cần Thơ nói riêng không còn nằm trong địa bàn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chỉ còn được hưởng ưu đãi theo ngành và lĩnh vực đầu tư, bởi TP. Cần Thơ đã trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông của TP. Cần Thơ còn thiếu đồng bộ, công tác giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp chậm… cũng là nguyên nhân dẫn đến thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đang tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh, gọn thủ tục cho các nhà đầu tư theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Có những thủ tục, Ban Quản lý giải quyết xong cho nhà đầu tư ngay trong ngày, trong khi thời hạn giải quyết theo quy định là 7 - 10 ngày.

Sắp tới, Ban Quản lý sẽ có cuộc họp với UBND TP. Cần Thơ cùng các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư.

Đồng thời, Ban Quản lý sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các khu công nghiệp Cần Thơ tới các nhà đầu tư thông qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước của Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Trà Nó

Giới thiệu các khu công nghiệp Cần Thơ

Ngoài 2 khu công nghiệp là Trà Nóc I và Trà Nóc II đã cơ bản lấp đầy, TP. Cần Thơ đang triển khai

Xây dựng thêm 6 khu công nghiệp tập trung, đó là: Khu công nghiệp Hưng Phú 1, Khu công nghiệp Hưng Phú 2A và Khu công nghiệp Hưng Phú 2B:

Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (diện tích 270 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 2A (diện tích 134 ha) và Khu công nghiệp Hưng Phú 2B (diện tích 62,63 ha) tọa lạc tại địa bàn quận Cái Răng, cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 4 km về phía Đông Nam, nằm bên bờ hữu ngạn sông Hậu, ngược dòng phía Bắc đi Campuchia, xuôi dòng phía Nam ra biển Đông, cách Sân bay Cần Thơ 12 km, cách cảng Cần Thơ 11 km.

Bên cạnh các khu công nghiệp này là khu Cảng biển Cái Cui và kho chứa hàng, với khả năng tiếp nhận tàu 10.000 - 20.000 tấn, được trang bị đầy đủ các hệ thống thiệt bị bóc dỡ và dịch vụ cảng hiện đại. Đường giao thông nội bộ đồng bộ, với lộ giới 20 - 35 m, tải trọng lớn, nối trực tiếp tuyến đường Nam sông Hậu, ra Quốc lộ 1A chưa đầy 2 km. Điện nước sạch, viễn thông sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Đây là các khu công nghiệp hỗn hợp, nhưng ưu tiên thu hút các ngành nghề: chế tạo cơ khí; lắp ráp điện, điện tử; chế biến nông - thủy - hải sản, gia súc - gia cầm đông lạnh; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm; giao thông - vận tải; dịch vụ xuất nhập khẩu.

Khu công nghiệp Thốt Nốt: Có diện tích 600 ha, thuộc địa bàn phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, cách trung tâm TP. Cần Thơ 60 km về phía Bắc. Khu công nghiệp Thốt Nốt nằm cạnh Quốc lộ 91 ở phía Nam, cạnh sông Hậu ở phía Bắc, nên rất thuận tiện về giao thông thủy, bộ. Khu công nghiệp này nằm trong vùng nguyên liệu nông - thủy sản dồi dào, nhất là lúa gạo, cá tra, basa…, bởi đây là nơi tiếp giáp giữa các địa phương sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước, như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ.

Các ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu: chế biến nông - thủy sản, các ngành cơ khí - chế tạo phục vụ nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển đô thị.

Chủ đầu tư: Trung tâm Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt.

Khu công nghiệp Ô Môn: Có diện tích 600 ha, nằm trên địa bàn phường Phước Thới, quận Ô Môn, đang quy hoạch 1/500.

Khu công nghiệp Bắc Ô Môn: Có diện tích 400 ha, nằm trên địa bàn quận Ô Môn, đang lập quy hoạch 1/500.

Trúc Giang(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục