Đẩy mạnh đầu tư
Hiện tại, những khó khăn mà hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang gặp phải là lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm sâu, kéo theo sự sụt giảm mạnh của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật và làm tăng đáng kể khoản trích lập dự phòng kỹ thuật. Chưa kể diễn biến dịch chuyển nhân sự đại lý/tư vấn bảo hiểm phức tạp, nhận thức của người dân về bảo hiểm chưa cao…
Tuy nhiên, “đó chỉ là những khó khăn trước mắt, tôi vẫn nhìn thấy rất nhiều cơ hội phát triển tại thị trường này”, vị CEO doanh nghiệp bảo hiểm trên cho biết.
Cùng chung nhận định, đại diện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đều thể hiện niềm tin vào sự phát triển của thị trường, thể hiện ở các kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về chiến lược của Hanwha Life trong năm 2018 cũng như thời gian tới, ông Back Jong Kook - Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam cho biết: “Hanwha Life Việt Nam vẫn giữ vững mục tiêu là 1 trong 5 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường Việt Nam vào năm 2025.
Nếu tình hình thuận lợi, chúng tôi có thể nâng cao hơn nữa mục tiêu này với nỗ lực là 1 trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẫn đầu thị trường vào năm 2025. Riêng năm 2018, chúng tôi đang triển khai rất nhiều chiến lược để đưa những sản phẩm dịch vụ bảo hiểm tốt tới nhiều người dân Việt Nam hơn nữa”.
Trong kế hoạch kinh doanh và phát triển tại thị trường Việt Nam, Generali cũng đang tiếp tục mở rộng hoạt động để nhanh chóng tăng trưởng quy mô trong vài năm tới. Mục tiêu của Generali là trở thành một trong những thương hiệu bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.
Hãng bảo hiểm này đã và đang đẩy nhanh chiến lược kinh doanh khác biệt hướng đến khách hàng bằng cách đầu tư nâng cao trải nghiệm khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại… Để phục vụ việc mở rộng hoạt động, Generali vừa nâng vốn điều lệ lên hơn 4.000 tỷ đồng, gấp 7 lần so với quy định.
Đầu tháng 6/2018, Prudential cũng được sự chấp thuận của Bộ Tài chính tăng vốn điều lệ lên 4.128 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định cam kết đầu tư lâu dài, bền vững của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Các hãng bảo hiểm khác như Dai-ichi Life Việt Nam, Manulife hay Sunlife Việt Nam đều đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, với mục tiêu mang đến cho khách hàng nhiều tiện ích mới và thuận tiện hơn trong giao dịch.
Doanh thu phí bảo hiểm mới vẫn đến từ hai kênh chủ lực là đại lý/tư vấn và bancassurance
Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, dự kiến trong tháng 6/2018, thị trường sẽ có thêm một công ty bảo hiểm nữa tăng vốn điều lệ lên gần 5.000 tỷ đồng để tiếp tục kế hoạch đầu tư mở rộng thị trường trong năm 2018 và những năm tới.
“Với lần tăng vốn này, chúng tôi sẽ trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất thị trường Việt Nam”, đại diện doanh nghiệp bảo hiểm này cho biết.
Sản phẩm và kênh phân phối ngày càng đa dạng
Về chiến lược phát triển kênh phân phối, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, những mô hình bán bảo hiểm mới như qua tivi homeshoping hay telesale sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện tại và tương lai gần, doanh thu phí bảo hiểm mới vẫn đến từ hai kênh chủ lực là đại lý/tư vấn và bancassurance.
Năm 2016 - 2017 là giai đoạn “nóng” trong chiến lược phát triển bancassurance khi một số công ty bảo hiểm liên tiếp công bố ký kết hợp tác độc quyền với các ngân hàng trong thời hạn khá dài. Đa phần những hợp đồng hợp tác ngân hàng - bảo hiểm độc quyền này đều có giá trị khủng.
Chính bởi vậy, xuất hiện những ý kiến lo ngại về việc bancassurance khó có thể phát triển dài lâu, khi giá trị mỗi thương vụ ngày càng bị đẩy lên cao, đồng nghĩa với việc chi phí cho bancassurance ngày càng đắt đỏ, tương đương việc phát triển đội ngũ đại lý/tư vấn…
Bên cạnh đó, mối lo lớn hơn là với xu thế ký kết độc quyền, khách hàng sẽ không được lựa chọn những sản phẩm hay dịch vụ bảo hiểm tốt nhất.
“Nếu một ngân hàng bán cùng lúc nhiều sản phẩm của các công ty bảo hiểm thì sẽ tạo cơ hội cho khách hàng được lựa chọn. Từ đó, công ty bảo hiểm phải thiết kế sản phẩm, cũng như cung cấp dịch vụ tốt nhất để cạnh tranh”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.
Quay trở lại câu chuyện phát triển bancassurance trong năm 2018, một số ý kiến cho rằng, không còn nhiều thương vụ hợp tác có giá trị khủng được ký kết, thay vào đó, đây sẽ là thời gian các công ty bảo hiểm đã nắm trong tay kênh phân phối này bắt đầu kế hoạch đẩy mạnh doanh thu.
Hiện tại, tỷ lệ đóng góp doanh thu phí bảo hiểm đến từ bancassurance ở một vài công ty bảo hiểm vào khoảng 20%/tổng doanh thu phí mới. Các doanh nghiệp này kỳ vọng, phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh bancassurance sẽ tăng lên mức khoảng 30%/tổng doanh thu phí mới chỉ trong 1, 2 năm tới.
Đối với việc phát triển sản phẩm, theo thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, các nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới. 2 tháng đầu năm 2018, bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 48,78%; bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 28,05%; bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 3,4%; bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 1,26% và các nghiệp vụ chính còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính)) chiếm tỷ trọng 6,99%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 11,5%.
So với cùng kỳ năm 2017, doanh thu khai thác mới của các nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 45%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp tăng 8,45%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng 152,3%. Bảo hiểm liên kết đầu tư vẫn được nhìn nhận là xu thế của thị trường trong thời gian tới, tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy, bảo hiểm tử kỳ sẽ quay trở lại với phiên bản mới hấp dẫn hơn.
Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay đã có một số công ty bảo hiểm như MB Ageas, AIA Việt Nam đưa ra thị trường sản phẩm này cho từng đối tượng khách hàng.
“Mục đích chính của bảo hiểm chính là bảo vệ. Đây là lý do khiến chúng tôi quyết định sẽ sớm đưa trở lại thị trường dòng sản phẩm bảo hiểm tử kỳ phiên bản mới với mức bảo hiểm cao, phí bảo hiểm thấp và những quyền lợi kèm theo khác để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.