Các dự án để mất rừng phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng trước ngày 30/9

Chủ các dự án để mất rừng, còn nợ tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng ở Lâm Đồng phải khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trước ngày 30/9/2022.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các tổ chức, cá nhân còn nợ tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, tiền thuê rừng (kể cả các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấm dứt và thu hồi dự án) khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước trước ngày 30/9/2022.

Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, cung cấp thông tin doanh nghiệp đang hoạt động, thực hiện dự án mà chưa nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, tiền thuê rừng đề cập ở trên, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 5/10/2022.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở số liệu doanh nghiệp chưa thực hiện bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, tiền thuê rừng đến ngày 30/9/2022 do Sở Tài chính cung cấp để rà soát, đối chiếu các quy định hiện hành, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án.

“Đối với các dự án đã bị chấm dứt hoạt động thì đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện biện pháp chế tài phù hợp theo quy định của pháp luật”, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các tổ chức, cá nhân phải thuê rừng, nhưng chưa ký hợp đồng thuê rừng, khẩn trương thực hiện ký hợp đồng thuê rừng trước ngày 30/8/2022.

“Trường hợp sau thời gian trên mà các tổ chức, cá nhân chưa ký hợp đồng thuê rừng thì tổng hợp danh sách gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án theo quy định”, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo.

Ngày 3/8/2022, thực hiện Kết luận thanh tra số 1018/TB-TTr (ngày 2/8/2022) của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về việc thanh tra toàn diện quá trình đầu tư, thực hiện Dự án trồng rừng, trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Hải Long (Báo Đầu tư đã đưa tin), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã cung cấp số liệu tính toán thiệt hại tài nguyên rừng tại dự án đầu tư này đến Sở Tài chính.

Theo đó, căn cứ Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 8/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc điều chỉnh, bổ sung khoản 3, Điều 1, Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thì diện tích rừng bị thiệt hại tại Dự án trồng rừng, trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Hải Long là 22,05 ha, thuộc đối tượng rừng sản xuất.

Trước đó, ngày 15/8/2021, Báo Đầu tư đăng bài: “Trốn” bồi thường tài nguyên rừng, hàng chục doanh nghiệp bị điều tra.

Theo đó, ngày 27/5/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất đề nghị Công an tỉnh này tiếp nhận hồ sơ đối với 37 doanh nghiệp không chấp hành nộp số tiền hơn 178 tỷ đồng bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại thuộc các dự án đầu tư để điều tra, xử lý theo quy định (theo ý kiến của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận 929 ngày 12/6/2020).

Sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lâm Đồng) đã đề nghị cung cấp hồ sơ pháp nhân của 37 doanh nghiệp và hồ sơ có liên quan đến sai phạm để mất rừng… để điều tra, xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động của 37 doanh nghiệp/37 dự án như đề nghị của Công an tỉnh Lâm Đồng.

Nhiệt Băng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục