Các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn ước đạt 39.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 15/12/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn ước đạt 39.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm 2022 tình hình thế giới biến động phức tạp bởi nhiều sự kiện như căng thẳng địa chính trị, tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cùng với những hậu quả từ dịch Covid,...

Điều này tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban nói riêng. Theo đó, một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban lợi nhuận giảm mạnh, có doanh nghiệp lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu.

Theo Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng doanh thu (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021); tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt hơn 39.000 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021).

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước (PVN, Petrolimex, Vinachem, TKV, VEC...).

Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2022 , sau 4 năm chuyển về Ủy ban quản lý, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Ủy ban phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Tập đoàn, Tổng Công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Ủy ban và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đó là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng như chuỗi dự án Lô B, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục