Các doanh nghiệp đổi “tướng” trong cơn bĩ cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đa số doanh nghiệp vừa có sự thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ.
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc nhằm cải thiện kết quả kinh doanh Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc nhằm cải thiện kết quả kinh doanh

Nhựa Đông Á cạn kiệt tiền mặt

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã chứng khoán DAG) ngày 31/7/2024 đã thông qua đơn xin từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Trần Việt Thắng, đồng thời bầu ông Trần Việt Anh vào vị trí lãnh đạo cao nhất Công ty trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025, kể từ ngày 1/8/2024.

Trước đó, Nhựa Đông Á cho biết, doanh nghiệp đã làm việc với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY để hoàn tất các số liệu kế toán cần thiết của báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thêm thời gian để kiện toàn nhân sự, tìm kiếm ứng viên thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 phù hợp, đáp ứng tình hình quản trị của Công ty. Ngày 15/7/2024, Nhựa Đông Á tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, nhưng không thành công.

Hiện tại, Nhựa Đông Á đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong kinh doanh. Các ngân hàng đồng loạt hạ nhóm tín dụng xuống nhóm 5 đối với Công ty, khiến doanh nghiệp khó có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Năm 2023, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.215,5 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022 (2.272,7 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế âm 606,7 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi 7,4 tỷ đồng. Do kinh doanh thua lỗ nên Công ty không chia cổ tức, không chi trả thù lao Hội đồng quản trị.

Sang năm 2024, Nhựa Đông Á lỗ thêm 15 tỷ đồng trong quý đầu năm, còn kết quả kinh doanh quý II tính đến ngày 7/8 vẫn chưa có.

Tại đại hội đồng cổ đông ngày 1/8, Nhựa Đông Á đã thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2024 với mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 642,2 tỷ đồng (giảm 47% so với mức thực hiện năm ngoái), lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9,5 tỷ đồng.

Không ít doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động, kỳ vọng yếu tố mới trong dàn lãnh đạo cấp cao sẽ chèo lái con thuyền doanh nghiệp sớm vượt qua sóng gió.

Để thực hiện kế hoạch có lãi trở lại, Công ty dự kiến kiện toàn bộ máy quản lý, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, tìm kiếm các đơn vị có năng lực để liên doanh, liên kết, hợp tác vận hành, khai thác các nhà máy sau quá trình đầu tư, xử lý hàng tồn kho, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm mới; xây dựng phương án tái cấu trúc tài chính, triển khai phát hành cổ phiếu, nghiên cứu các giải pháp cụ thể để duy trì dòng tiền.

Tính đến cuối quý I/2024, Nhựa Đông Á có vốn điều lệ 603,1 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 344 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền chưa đến 1 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả 1.392,9 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (979,5 tỷ đồng, nhưng Công ty có các khoản phải thu ngắn hạn 312 tỷ đồng).

Trong các khoản vay dài hạn của Nhựa Đông Á có 183,7 tỷ đồng vay ông Nguyễn Bá Hùng (thành viên Hội đồng quản trị) và 100 tỷ đồng vay ông Phạm Ngọc Hinh (chủ tịch công ty thành viên). Năm nay, Công ty dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ hơn 28,3 triệu cổ phần để hoán đổi nợ với 2 cá nhân này, gồm 10 triệu cổ phần hoán đổi khoản nợ với ông Phạm Ngọc Hinh và hơn 18,3 triệu cổ phần hoán đổi khoản nợ với ông Nguyễn Bá Hùng.

Quốc Cường Gia Lai gặp sóng gió

Ngày 19/7/2024, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra liên quan đến dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM. Ngay sau đó, Hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai đã bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Cường làm Tổng giám đốc, thay thế bà Nguyễn Thị Như Loan.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Cường bày tỏ quyết tâm vực dậy Quốc Cường Gia Lai sau sóng gió, ông hứa sẽ bảo vệ quyền lợi cổ đông và đưa mọi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.

Quý II/2024, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu hơn 26 tỷ đồng, lỗ sau thuế 17,3 tỷ đồng. Công ty lý giải, doanh thu giảm giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bất động sản nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, quý II chưa bước vào mùa mưa nên sản lượng điện khai thác còn thấp, cao su chỉ được đưa vào khai thác từ cuối tháng 5… Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đạt 62,5 tỷ đồng doanh thu, lỗ sau thuế 16,6 tỷ đồng. Công ty kỳ vọng, năm nay sẽ đạt doanh thu 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/6/2024, Quốc Cường Gia Lai có tổng tài sản hơn 9.375 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả 4.885 tỷ đồng, hầu hết là nợ ngắn hạn (chiếm 95%). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Cường, Công ty chưa chịu áp lực về dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn, trong khi có nhiều quỹ đất có thể triển khai, tính thanh khoản cao.

Xi măng Vicem Hà Tiên: Lãi - lỗ luân phiên

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) ngày 2/8 đã miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc đối với ông Lưu Đình Cường (ông Cường được Bộ Xây dựng bổ nhiệm vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Xi măng Việt Nam), đồng thời bầu Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thắng vào 2 chức danh đó.

Công ty mẹ của Xi măng Vicem Hà Tiên là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng có Tổng giám đốc mới là ông Phùng Quang Hiệp (sinh năm 1977), thay cho ông Nguyễn Phú Cường nghỉ hưu theo chế độ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Xi măng Vicem Hà Tiên đạt doanh thu hơn 3.403 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023 và lãi sau thuế hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 27 tỷ đồng. Xét theo quý, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận trồi sụt trong hơn 1 năm qua, lãi - lỗ luân phiên.

Năm 2024, Công ty lên kế hoạch đạt doanh thu 7.032 tỷ đồng, giảm 0,3%; lợi nhuận sau thuế hơn 23 tỷ đồng, tăng 29% so với mức thực hiện năm 2023.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục