Chiếm 68% dân số và đóng góp 60% GDP cả nước, nông thôn chính là mảnh đất màu mỡ của ngành bán lẻ với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Ông Vaughan Ryan, Giám đốc Điều hành Nielsen Việt Nam từng khẳng định rằng “muốn thắng ở Việt Nam thì phải thắng ở nông thôn”. Nghĩa là, với một thị trường tiêu dùng hơn 90 triệu dân, doanh nghiệp cần phải khai thác triệt để con số này. Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn chưa làm được điều đó, cụ thể là ngành bán lẻ.
Nông thôn đang vẫy gọi
Những ngày đầu năm 2015, thị trường bán lẻ xôn xao với thông tin Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson Landmark hoạt động tại Tòa nhà Keangna, Hà Nội, gửi thư đến các khách hàng thuê mặt bằng tại đây về quyết định tạm thời đóng cửa.
“Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa khi nào đạt doanh thu như kế hoạch đề ra. Và chúng tôi nhận thấy các quầy hàng của quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn”, ông Tung Chee Sung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Parkson Hà Nội giải thích lý do trong thông báo nói trên.
Hoạt động kém hiệu quả của Parkson Landmark cũng được phản ánh trong báo cáo tài chính quý I tài khóa 2015 của Parkson Retail Asia (PRA). Theo đó, doanh thu bán lẻ của PRA tại Việt Nam và Myanmar đạt mức 28 triệu ringgit (7,8 triệu USD), cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng họ lại lỗ tới 3,1 triệu ringgit (870.000 USD).
Báo cáo này đưa ra nhận xét rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn rất thách thức khi chi tiêu trong ngành bán lẻ còn yếu và cạnh tranh khốc liệt khi ngày càng có nhiều đối thủ mới trên thị trường. Hệ quả là Parkson Việt Nam có mức tăng trưởng âm 5% với khoản lỗ hoạt động cao.
Thất bại của TTTM này sau hơn 3 năm hoạt động tại Hà Nội cho thấy, kinh doanh bán lẻ tại các đô thị lớn ở Việt Nam không phải là một cuộc dạo chơi. Thực tế cho thấy, hiện hầu hết các chuỗi bán lẻ ngoại hàng đầu tại Việt Nam đều chọn các tỉnh thành có sức mua cao (chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị) để hoạt động kinh doanh như Big C, Metro, Aeon, Parkson, Robinson…
Ông Ryan, Nielsen Việt Nam, khi nhận xét về việc liệu thị trường thành thị với sự chen chân dày đặc của hầu hết các nhà bán lẻ đã tới thời kỳ bão hòa hay chưa, từng nói rằng “thành thị vẫn còn nhiều đất diễn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, người tiêu dùng nông thôn cũng đang phát triển các nhu cầu tiêu dùng mới không khác gì ở thành thị”.
Thật vậy, kết quả khảo sát về thị trường nông thôn Việt Nam của Kantar Worldpanel công bố hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy, nông thôn hiện chiếm 68% dân số và đóng góp 60% GDP cả nước với trình độ dân trí ngày càng được nâng cao. Về dài hạn, thu nhập và mức sống nông thôn đang tiếp tục được cải thiện. Nhờ đó, các trang thiết bị cơ bản cũng đã có mặt ở phần lớn các hộ gia đình.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, nông thôn là thị trường đang còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Thậm chí tác động của các nhà bán lẻ tại khu vực này còn lớn hơn rất nhiều so với ở thành thị.
Tiềm năng cho ngành bán lẻ ở nông thôn đã rõ ràng, nhưng liệu các doanh nghiệp trong ngành có thể tận dụng triệt để được cơ hội lớn này? Thời gian qua, xu hướng mở rộng chuỗi bán lẻ về nông thôn đã được triển khai, nhưng chủ yếu từ phía các doanh nghiệp nội.
Thách thức khi về quê
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh khá hoành tráng trong năm 2014 với 350 siêu thị (tăng 125 so với 2013), tổng doanh thu dự kiến 15.800 tỉ đồng. Trong năm nay, MWG đặt mục tiêu lần đầu tiên chạm ngưỡng doanh thu 1 tỉ USD, cùng qui mô chuỗi bán lẻ lên tới 473 siêu thị để chiếm lĩnh 40% thị phần điện thoại di động bán ra trên cả nước.
Với tốc độ phát triển ở mức “khủng” như vậy, Hội đồng quản trị MWG đã đề ra chiến lược phát triển gồm 3 nội dung chính là gia tăng số lượng siêu thị trong cả nước; tăng doanh thu ở các siêu thị cũ; và đặt mục tiêu tăng trưởng mới trong kinh doanh online. Trong đó, chiến lược lấn sân sang thị trường nông thôn tiếp tục được triển khai. Thực tế cho thấy, bước đi này đã được MWG thực hiện từ đầu năm 2014.
Ông Trần Kinh Doanh, Phó Tổng Giám đốc MWG cho biết, trong năm 2014, chuỗi bán lẻ này đã triển khai thử nghiệm mở thêm điểm bán điện thoại di động tại các vùng nông thôn, thậm chí là vùng sâu vùng xa. Đây là bước đi đầu tiên cho tham vọng trong kế hoạch tới hết năm 2016, MWG sẽ mở từ 700 - 1.000 điểm bán lẻ tại các vùng nông thôn.
“Để chuẩn bị, MWG đã khảo sát chi tiết ở một số thị trường nông thôn. Mặc dù tại đây, các sản phẩm điện thoại di động phổ thông còn khá phổ biến, nhưng chúng tôi nhận thấy hoàn toàn có cơ hội mang đến các sản phẩm có giá trị sử dụng tốt nằm trong khả năng thanh toán của họ”, ông Doanh từng chia sẻ.
Theo đó, với giá bán ngày càng theo xu hướng giảm, MWG sẽ đẩy mạnh đưa về nông thôn các dòng smartphone, thay vì chỉ có điện thoại phổ thông. Thời gian tới, với loại màn hình rộng 4 inch, các nhà sản xuất có thể tung ra sản phẩm ở tầm giá từ 1,5 - 2 triệu đồng nên MWG có thể đón đầu xu thế này để phát triển thị trường nông thôn. Chiến lược tiến về nông thôn cho thấy sự nhạy bén của MWG trong khi các đối thủ lớn vẫn tập trung phát triển và giành thị phần tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khi tiến về nông thôn, MWG cần phải chú trọng vấn đề hiệu quả kinh doanh vì từ trước đến nay, chuỗi bán lẻ này thường bán theo đúng giá đề nghị của chính hãng, trong khi vẫn phải gánh nhiều chi phí như mặt bằng, vận chuyển, nhân viên… nên có thể sẽ khó cạnh tranh về giá so với các sản phẩm được phân phối dưới hình thức trôi nổi trên thị trường, như các mặt hàng xách tay chẳng hạn.
Một nguồn tin của PV cho biết, mô hình kinh doanh cửa hàng điện thoại di động có diện tích khoảng 50 m2 của MWG tại một số ấp, xã, huyện thuộc khu vực nông thôn trong năm 2014 hiện chỉ mới phát triển được khoảng 10 chi nhánh do tình hình hoạt động không mấy khả quan. Vì vậy, thay vì tiếp tục mở thêm chuỗi các cửa hàng 50 m2 này, MWG sẽ phát triển mô hình các siêu thị Thế Giới Di Động có diện tích khoảng 200 m2 tại các thị trấn ở khu vực nông thôn có nhu cầu tiêu dùng cao.
Theo Tạp chí Retail Asia Publishing, chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay là Saigon Co.op có mức tổng doanh thu 23.015 tỉ đồng cùng qui mô 323 cửa hàng trong năm 2013. Năm 2014, dự kiến doanh thu sẽ vào khoảng 24.000 tỉ đồng với 365 cửa hàng. Đây cũng là một nhà bán lẻ đang triển khai chiến lược tiến về nông thôn khá hiệu quả với mạng lưới các siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.opFood, cửa hàng bách hóa Co.op… phủ kín các tỉnh thành cả nước.
Tiềm năng ở khu vực nông thôn đối với các nhà bán lẻ là rõ ràng, nhưng thách thức cũng không phải là ít.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc tiếp cận thị trường nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, của một số doanh nghiệp nội chủ yếu còn mang tính đơn lẻ, tự phát, có tính chất thăm dò là chính, thậm chí một số còn làm theo phong trào.
Kết cấu hạ tầng yếu kém nên việc phát triển các điểm bán hàng một cách quy củ không hề dễ dàng. Kinh nghiệm từ một số địa phương cho thấy, ở những khu vực trung tâm, đô thị nhỏ vẫn có thể kêu gọi đầu tư, nhưng khi về các xã, vùng sâu, vùng xa lại rất khó khăn.
Ngoài ra, theo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), việc xây dựng được hệ thống phân phối ở nông thôn cũng đòi hỏi chi phí lớn. Chỉ tính riêng các chuyến bán hàng về nông thôn, chi phí vận chuyển hàng hóa từ trung tâm thành phố tới các xã gần đó, doanh nghiệp phải tốn ít nhất 3 triệu đồng (chưa tính các xã vùng sâu, vùng xa), cộng chi phí lắp đặt gian hàng khoảng 5,5 triệu đồng. Để đảm bảo hòa vốn và có lãi, doanh thu mỗi chuyến bán hàng về nông thôn phải đạt mức từ 150 - 170 triệu đồng trở lên.