Các điểm đến nô nức kích cầu du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Ngay khi có thông tin “đôi cánh” hàng không và du lịch lần lượt mở lại từ ngày 15/2 và 15/3, nhiều địa phương đã tung ra những chiến dịch kích cầu du lịch nhằm tăng lợi thế cạnh tranh.
Ảnh minh họa khách du lịch thăm làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Chí Cường) Ảnh minh họa khách du lịch thăm làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Chí Cường)

Nhiều chương trình hấp dẫn

Chia sẻ quan điểm khi Chính phủ đồng thời mở cửa hàng không và du lịch, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chính phủ muốn thông qua hai lĩnh vực này để chứng minh với thế giới về việc Việt Nam là điểm đến an toàn, doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu tốt và sức bật nhanh.

“Toàn cầu hóa buộc chúng ta phải hội nhập và có sự kết nối với thế giới. Con đường kết nối tốt nhất, nhanh nhất người với người, hàng với hàng, hàng với người là hàng không và du lịch. Do đó, hai ngành hàng không và du lịch phải luôn trong tâm thế sẵn sàng để đảm bảo sự kết nối, đồng thời minh chứng cho sự an toàn của điểm đến Việt Nam”, ông Thiên nói.

Không để bỏ lỡ cơ hội vàng này, nhiều địa phương đã tung ra những chương trình kích cầu hấp dẫn để thu hút du khách. Đơn cử, Đà Nẵng tiên phong trong việc thí điểm thực hiện các chính sách hỗ trợ khách MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo…) nhằm thu hút trong mảng du lịch công vụ.

Để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, UBND TP. Đà Nẵng đã huy động nguồn lực nhằm sớm khởi công các dự án văn hóa, du lịch để đưa vào hoạt động như Công viên châu Á giai đoạn II; Khu tổ hợp công trình phục vụ pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, các khu dịch vụ cao cấp tại Bà Nà Hills, Khu tổ hợp thể thao giải trí và thương mại; Dự án sân golf. Đồng thời khuyến khích sáng tạo, sản xuất các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng Đà Nẵng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần triển khai thực hiện tốt những hướng dẫn về đảm bảo du lịch an toàn, điểm đến du lịch được kiểm soát. Quán triệt phương án mở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện mở lại du lịch quốc tế và nội địa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch.

Cũng mong muốn phục hồi và bứt phá, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Bùi Đình Long thông tin, Nghệ An đã mở lại các tuyến bay nội địa đến TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Nha Trang, Phú Quốc để phục vụ du khách. Hệ thống cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng được phát triển đa dạng. Các nhà hàng, dịch vụ ăn uống, mua sắm, trải nghiệm, phố đi bộ, chợ đêm, đường hoa, các khu vui chơi, giải trí cũng phát triển mạnh, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An, nhất là các món ẩm thực độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết, hưởng ứng chương trình phát động phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3, Câu lạc bộ phát động Chương trình “Trở lại Bắc Trung bộ năm 2022. Các doanh nghiệp xây dựng chương trình gắn với các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng tỉnh để khai thác, xúc tiến, bán cho du khách. Ưu tiên hoàn thiện, phát triển và khai thác 3 tour liên kết 4 địa phương Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trong đó, nổi bật là các tour văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng biển vào mùa xuân, hè; tour du lịch về nguồn kết hợp khám phá du lịch sinh thái, cộng đồng, mạo hiểm vào mùa thu, đông; tour caravan theo đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTT&DL), các địa phương cần tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, thu hút thị trường khách, hướng tới “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, trong đó hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến thông qua việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đảm bảo điều kiện an toàn, chất lượng, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp nhu cầu của du khách.

Hưởng ứng chủ trương này, Sở VHTT&DL Hòa Bình cho biết, dự kiến trong năm 2022, tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn như: Lễ hội Đất Mường; Liên hoan văn hóa Mo Mường; Cuộc thi Đại sứ du lịch Hòa Bình; Chương trình Quảng bá văn hóa - du lịch Hòa Bình tại Hà Nội… Đồng thời, triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và đón khách đến tham quan, khám phá trải nghiệm các loại hình du lịch, dịch vụ của địa phương.

Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VHTT&DL Hòa Bình chia sẻ, với quyết tâm phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch xây dựng và phát triển nhiều điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo, mang đậm nét văn hóa xứ Mường, thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách như: Bản Lác, Mai Châu Ecolodge, Mai Châu Hideaway Resort (huyện Mai Châu); suối khoáng, Serena Resort, An Lạc Ecofarm (huyện Kim Bôi); chùa Tiên - Lạc Thủy; quần thể hang động Núi Đầu Rồng - Cao Phong, đền thờ Chúa Thác Bờ, các sân golf, homestay...

Sau thời gian dài “đóng băng” vì Covid-19, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Bùi Đình Long đề xuất, thời gian tới, Tổng cục Du lịch quan tâm, hỗ trợ quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh Bắc Trung bộ nhiều hơn. Hướng dẫn các địa phương xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù để không trùng lắp với nơi khác, bởi các địa phương không có kinh nghiệm, thiếu thông tin, cũng như kinh phí còn hạn chế cho công tác này. Đây cũng là đề xuất, mong muốn của nhiều địa phương.

Hồng Hạnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục