Các cuộc khủng hoảng chồng chéo có thể phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giống như con tàu Titanic, nền kinh tế toàn cầu được xem như một cỗ máy không thể chìm, nhưng thực tế chúng ta có thể không đạt được điều đó.
Các cuộc khủng hoảng chồng chéo có thể phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu

Khi tàu Titanic ra khơi vào năm 1912, con tàu này đã được xem là không thể chìm vì thân tàu được cấu tạo thành 16 ngăn kín nước. Theo báo cáo, con tàu sẽ vẫn nổi nếu có tới 4 khoang trong số này bị hư hỏng. Một giả định tương tự đã củng cố cấu trúc tài chính quốc tế ngày nay khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng đa dạng: biến đổi khí hậu nhanh chóng, các trục trặc tài chính, đại dịch sức khỏe, các nguy cơ địa chính trị, thế hệ trí tuệ nhân tạo và tình trạng thiếu nước và lương thực toàn cầu.

Giới lãnh đạo quốc tế dường như nghĩ rằng nếu hai hoặc nhiều cuộc khủng hoảng bùng lên cùng lúc thì hệ thống vẫn sẽ chống chọi được. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học Vinod Thomas và là cựu Phó chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), giả định này rõ ràng là sai. Chỉ riêng sự tác động qua lại của cuộc khủng hoảng khí hậu với sự mong manh về tài chính đã đe dọa đến những mối nguy hiểm tiềm tàng không thể vượt qua trừ khi có những hành động ngay lập tức được thực hiện.

Nợ toàn cầu đã đạt mức chưa từng có, đè nặng lên một hệ thống vẫn đang bị rung chuyển bởi đại dịch. Một hệ thống ngân hàng ngầm bao gồm các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFI) xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hiện thống trị khoảng một nửa nguồn tài chính toàn cầu. Nguồn tài chính không được kiểm soát dành cho NBFI là khoảng 240.000 tỷ USD.

Trong khi đó, IMF và WB đang gặp khó khăn trong việc giải quyết đồng thời tình trạng thiếu hụt ngân sách do đại dịch gây ra và nhu cầu leo thang do biến đổi khí hậu gây ra. Những rủi ro khác, chẳng hạn như xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống. Chính trong bối cảnh đó, một cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn dự đoán có thể khiến hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ.

Kế đó, 16 điểm tới hạn về khí hậu được xác định bởi một nhóm các nhà nghiên cứu trong một bài báo trên tạp chí Science, là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ có thể xảy ra trên các thị trường tài chính toàn cầu có đòn bẩy tài chính cao. Các thị trường, bao gồm cả cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương, đã không thể tích hợp các rủi ro vật chất, chuyển đổi và trách nhiệm pháp lý từ biến đổi khí hậu vào dữ liệu thị trường có thể quan sát được.

Ví dụ, nếu 5 trong số các công ty bảo hiểm tài sản và thương vong lớn nhất và 3 công ty tái bảo hiểm lớn nhất phá sản sau khi dải băng tan chảy và sụp đổ lớp băng vĩnh cửu dẫn đến lũ lụt, các công ty bảo hiểm sẽ phải đối mặt với những yêu cầu bồi thường chưa từng có và danh mục đầu tư bị suy giảm, xóa sạch cơ sở vốn của họ.

Hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu đối với tình trạng thiếu lương thực và sự sụp đổ của chuỗi cung ứng sẽ khiến hệ thống này càng trở nên mong manh hơn. Lạm phát sẽ tăng vọt do lượng thanh khoản khổng lồ được bơm vào hệ thống tài chính toàn cầu, do các hành động phòng thủ như các gói cứu trợ của ngân hàng trung ương. Các ngân hàng sẽ “gõ cửa” ngân hàng trung ương để chống lại tác động của việc các công ty bảo hiểm vỡ nợ.

Việc hành động toàn cầu ngay bây giờ phải dựa trên sự thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng từng có vẻ xa vời trong tương lai có xu hướng đến gần hơn. Và sự đảo ngược của nó phụ thuộc vào nỗ lực toàn diện để loại bỏ carbon trong nền kinh tế.

Điều này buộc G20 - một nhóm quốc gia chiếm 80% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới - phải đi đầu trong việc giải quyết sự mong manh vốn có của cấu trúc hiện tại. Các thành viên phải hành động nhanh chóng để điều chỉnh các khía cạnh chính liên quan đến nguy cơ khí hậu ngày càng tăng, bao gồm cả việc áp đặt yêu cầu vốn ngân hàng cho các hoạt động sử dụng nhiều carbon.

Hơn nữa, G20 nên áp đặt mức giá carbon đủ cao để khiến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trở nên tốn kém hơn so với các nguồn năng lượng sạch, đồng thời chỉ đạo các chính phủ phân bổ lại hơn 5.000 tỷ USD mỗi năm mà họ cung cấp để trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Những bước này sẽ giúp giảm lượng CO₂ trong khí quyển xuống còn 350 phần triệu (ppm), mức mà các nhà khoa học xem là ngưỡng bền vững.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương cần tích hợp các rủi ro trách nhiệm pháp lý xuất phát từ biến đổi khí hậu vào dữ liệu thị trường. Điều đó có nghĩa là thị trường tài chính sẽ cần đảm bảo chi phí vốn thấp hơn cho các chứng khoán có mức độ rủi ro biến đổi khí hậu thấp hoặc có hứa hẹn giảm thiểu mạnh mẽ.

Nếu thị trường bao gồm chức năng công thay vì chỉ chức năng tư nhân thì sẽ không cần có sự can thiệp chủ động ở cấp độ toàn cầu. Nhưng việc trông cậy vào thị trường đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Điều đó có vẻ nhỏ so với mối nguy hiểm tài chính mà sự hỗn loạn khí hậu có thể mang lại.

Khi các thợ lặn đến được xác tàu Titanic dưới đáy đại dương, họ tìm thấy con tàu với thân tàu gần như nguyên vẹn, nhưng thiệt hại ở một khu vực đã khiến tàu bị chìm. Để tránh số phận tương tự, cựu Phó chủ tịch WB cho rằng, G20 phải sử dụng nền tảng độc đáo của mình để hành động ngay vào thời điểm này.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục