“Các công ty niêm yết phải tìm hiểu câu trả lời trước thềm Nghị định 05 sắp có hiệu lực“

(ĐTCK) "Làm thế nào để thiết lập, hoàn thiện và chuẩn hóa chức năng kiểm toán nội bộ? Đây chính là câu hỏi lớn mà các công ty niêm yết phải tìm hiểu câu trả lời trước thềm Nghị định 05 về kiểm toán nội bộ sắp có hiệu lực”.
“Các công ty niêm yết phải tìm hiểu câu trả lời trước thềm Nghị định 05 sắp có hiệu lực“

Nhận định trên được ông Hoàng Hùng - Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Cập nhật quy định về kiểm toán nội bộ và kinh nghiệm tổ chức chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả tại công ty niêm yết” diễn ra vào ngày 14-15/3 tại Tp.HCM và Hà Nội.

Hội thảo do tổ chức đào tạo Smart Train phối hợp cùng Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ - Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ACIIA) và hai Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về kiểm toán nội bộ.

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy vai trò và trách nhiệm của kiểm toán nội bộ ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam hiện nay đang bị nhầm lẫn hoặc chồng chéo với các nhiệm vụ kiểm soát nội bộ hay kiểm soát tuân thủ, hỗ trợ cho Ban giám đốc.

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, kiểm toán nội bộ được biết đến là một chức năng giám sát độc lập và tuyến phòng vệ thứ ba của doanh nghiệp. Chức năng này thường xuyên rà soát và đánh giá độc lập, khách quan về hoạt động kiểm soát, quản lý rủi ro và quản trị trong nội bộ tổ chức. Qua đó, kiểm toán nội bộ mang lại nhiều giá trị thiết thực, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản trị và giúp Hội đồng quản trị trong các quyết định mang tính chiến lược.

Từng đảm nhiệm vai trò chuyên gia quốc tế hỗ trợ xây dựng Nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ và có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn về kiểm toán nội bộ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Hoàng Hùng nhận định, những nội dung trong Nghị định đã hướng đến các thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ, nhằm tăng cường tính minh bạch của thông tin và tính hiệu quả trong quản trị công ty.

"Đây là khung pháp lý bài bản đầu tiên về cách thức tổ chức, thực hiện công tác kiểm toán nội bộ cũng như vai trò, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ và các bên liên quan". ông Hùng chia sẻ

Nghị định 05 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/04/2019 sắp tới. Các đối tượng áp dụng (bao gồm các công ty niêm yết) sẽ có 24 tháng kể từ ngày này để hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết để triển khai công tác kiểm toán nội bộ theo quy định tại Nghị định.

Đây không phải là một khoảng thời gian dài, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, tổ chức chưa từng có chức năng kiểm toán nội bộ vì việc thiết lập một chức năng kiểm toán nội bộ mới đòi hỏi chiến lược, kế hoạch chi tiết với nhiều bước chuẩn bị phức tạp. Do đó, các đối tượng áp dụng Nghị định cần phải đẩy mạnh các nỗ lực triển khai ngay từ bây giờ.

“Trong quá trình chuẩn bị, các doanh nghiệp sẽ cần chú trọng tới một số thuộc tính mang tính quyết định đến công tác kiểm toán nội bộ. Trong đó phải kể đến xác định vai trò của kiểm toán nội bộ, cơ chế/hình thức hoạt động, nhân lực kiểm toán nội bộ, cấu trúc quản trị, trách nhiệm giải trình, mối quan hệ với các bên liên quan...”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, qua việc lập một kế hoạch triển khai cụ thể cho chiến lược xây dựng kiểm toán nội bộ, Hội đồng quản trị sẽ có thể xác định được họ cần tuyển dụng kiểm toán viên chuyên nghiệp, hoặc hợp tác với một đơn vị tư vấn kiểm toán, hoặc đưa ra một chiến lược khác phù hợp với thực trạng hiện tại của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với các chuyên gia khác tại hội thảo, ông Hùng kỳ vọng, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn cho việc thực thi Nghị định, giúp cho kiểm toán nội bộ thực sự đi vào đời sống doanh nghiệp.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục