Các công ty khai thác than ngày càng phải tự tài trợ và tự bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số nhà sản xuất than đang phải dành ra hàng chục triệu đô la để tự trang trải rủi ro khi bị các công ty bảo hiểm hạn chế bảo hiểm, khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn và tốn kém hơn.
Các công ty khai thác than ngày càng phải tự tài trợ và tự bảo hiểm

Trước áp lực từ các cổ đông, chính phủ và các tổ chức bảo vệ môi trường muốn hạn chế sự đóng góp của than vào tình trạng nóng lên toàn cầu, hàng chục công ty bảo hiểm đã tuyên bố hạn chế bảo hiểm cho ngành than, đặc biệt đối với các dự án mới. Điều này diễn ra sau những động thái tương tự của các ngân hàng nhằm hạn chế hoạt động tài trợ cho ngành than.

Trong khi đó, các công ty khai thác than cần được bảo hiểm mọi thứ từ hoạt động, tài sản, thiết bị và trách nhiệm pháp lý về môi trường. Ba công ty môi giới bảo hiểm cho biết hiện nay có thể phải mất hàng tháng và hàng chục yêu cầu để tìm được loại bảo hiểm như vậy cho một khách hàng sử dụng than.

Trao đổi với 5 giám đốc điều hành ngành khai thác than, họ cho biết ngành này đang ngày càng hướng tới tự bảo hiểm và tự tài trợ, vì khó khăn trong việc đảm bảo bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm khiến các khoản vay trở nên đắt hơn hoặc không có sẵn.

Một số công ty khai thác than bao gồm Seriti Resources và Thungela Resources của Nam Phi đã dành vốn để tự bảo hiểm và chỉ mua bảo hiểm để đề phòng những tổn thất lớn hơn và ít xảy ra hơn.

Theo giám đốc tài chính Doug Gain, mặc dù Seriti cho biết họ không gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các ngân hàng nhưng việc đảm bảo bảo hiểm ngày càng trở nên khó khăn hơn.

“Việc ghi nhận ESG và các yếu tố liên quan đang làm giảm khả năng cung cấp bảo hiểm than nhiệt trên toàn cầu, Seriti đã bắt đầu hành trình hướng tới tăng cường khả năng tự bảo hiểm”, ông cho biết.

Nhiều nhà sản xuất than đang tìm giải pháp thay thế trong bối cảnh sản lượng tiếp tục tăng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung toàn cầu năm 2023 sẽ vượt kỷ lục 8,6 tỷ tấn của năm ngoái, sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022 buộc nhiều quốc gia phải sử dụng than để duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, các nhà phân tích trong ngành cho biết, nhu cầu dành vốn để tự bảo hiểm đã ràng buộc tiền trên bảng cân đối kế toán của các công ty than và có thể khiến các công ty dễ bị tổn thương trước chi phí lớn khi có sự cố xảy ra.

Một số nhà phân tích cho biết các công ty than có thể chịu đựng bất kỳ sự gia tăng chi phí nào do lợi nhuận kỷ lục trong năm ngoái, nhưng có thể gặp khó khăn hơn trong những thời điểm khó khăn hơn, vì các vấn đề về bảo hiểm cuối cùng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao.

“Đối với các nhà sản xuất hiện tại, đây không phải là vấn đề lớn vì họ vẫn có thể có nhiều vốn nhờ giá than ổn định, nhưng sẽ có những thời điểm khó khăn hơn ở phía trước đối với những nhà sản xuất không dành tiền sang một bên”, Ben Davis, nhà phân tích của Liberum cho biết.

Dữ liệu từ công ty môi giới Willis Towers Watson cho thấy, nguồn cung bảo hiểm cho các nhà sản xuất than đang suy giảm đã dẫn đến phí bảo hiểm tăng gần gấp ba lần so với mức chuẩn của ngành. Tỷ lệ bảo hiểm than nhiệt đã tăng hơn 20% trong năm ngoái, cao hơn mức tăng 7,3% của Chỉ số thị trường bảo hiểm toàn cầu Marsh.

Tự bảo hiểm

Người phát ngôn của Seriti cho biết, Seriti có sự kết hợp giữa hình thức tự bảo hiểm để bù đắp thiệt hại cho một số tài sản, đồng thời giữ lại một số khoản bảo hiểm như thiệt hại do lũ lụt hoặc thiệt hại do hỏa hoạn dưới lòng đất.

Để giảm chi phí bảo hiểm, Seriti đang tăng cường giữ lại vốn và chỉ sử dụng bảo hiểm cho các rủi ro quá lớn.

“Chúng tôi dự đoán khả năng cung cấp bảo hiểm cho các tài sản than nhiệt sẽ tiếp tục giảm theo thời gian và khả năng này có thể sẽ cực kỳ hạn chế vào khoảng năm 2030”, giám đốc tài chính Seriti, Doug Gain cho biết.

Trong trường hợp của Thungela, họ đã dành ra 67 triệu USD để tự bảo hiểm một số rủi ro vào năm ngoái, trong khi vẫn tìm nguồn cung cấp bảo hiểm rủi ro thảm khốc, bao gồm các sự kiện như sập hầm mỏ hoặc thiên tai, từ thị trường bảo hiểm.

Theo nhóm áp lực môi trường Insure Our Future, 45 công ty bảo hiểm hiện đã đưa ra các hạn chế đối với bảo hiểm cho ngành than, bao gồm Allianz, Swiss Re và Munich Re.

Một số công ty bảo hiểm vẫn có hoạt động bảo hiểm cho kinh doanh nhiên liệu hóa thạch tương đối lớn, trong đó AEGIS của Bermuda, PICC của Trung Quốc, SOGAZ của Nga, Chubb của Thụy Sĩ và Allianz của Đức nằm trong top 5 công ty có tổng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất năm 2022 theo dữ liệu do Insuramore cung cấp.

AEGIS cho biết, hoạt động kinh doanh than của họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và đang giảm dần, trong khi Allianz cho biết họ sẽ loại bỏ dần hoạt động kinh doanh dựa trên than vào năm 2040.

Một số nhà sản xuất than đã thành lập công ty riêng để giải quyết vấn đề bảo hiểm và có thể được chi trả bằng sự kết hợp giữa quỹ của chính họ, các công ty bảo hiểm riêng lẻ và một nhóm các công ty bảo hiểm hợp tác để chia sẻ rủi ro với họ hay còn gọi là tái bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm có thể hoạt động trong cả bảo hiểm chính và tái bảo hiểm và có các cam kết khác nhau về ESG cho các bộ phận khác nhau trong hoạt động kinh doanh.

Điều phối viên của Insure Our Future, Peter Bosshard cho biết: “Phần lớn thị trường tái bảo hiểm vẫn mở cho các hoạt động đang diễn ra của các công ty than chứ không phải các dự án mới”.

Thành lập quỹ bảo hiểm tương hỗ

Tại Australia, các công ty than đã cân nhắc việc thành lập một quỹ bảo hiểm tương hỗ mà tất cả họ sẽ đóng góp như một hình thức tự bảo hiểm, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ do thiếu sự hỗ trợ của chính phủ.

Người phát ngôn của Bộ Tài chính Australia cho biết: “Thành lập quỹ tương hỗ cho ngành than là vấn đề của ngành than. Bất kỳ hỗ trợ hoặc bảo đảm tài chính nào cho quỹ tương hỗ sẽ liên quan đến quyết định của chính phủ”.

Nombasa Tsengwa, Giám đốc điều hành của công ty khai thác than Exxaro Resources ở Nam Phi cho biết, các công ty bảo hiểm ở một số quốc gia và khu vực, bao gồm cả ở châu Á, sẵn sàng kinh doanh hơn những nơi khác.

“Điều chúng tôi cũng nhận thấy là có những khu vực pháp lý khác quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp kinh doanh than. Tôi đang nói về việc vượt ra ngoài các thị trường thông thường có trụ sở tại Anh và nhìn sang châu Á để tìm kiếm các nhà tài trợ và bảo hiểm”, bà cho biết.

Giá than đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9/2022 khi các nước châu Âu tăng cường sử dụng than để thay thế khí đốt của Nga, khiến lợi nhuận của các công ty khai thác than tăng vọt.

Nhưng giá than đã giảm kể từ đó và các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu của các nhà sản xuất trong việc phải đáp ứng nhiều hơn về các yêu cầu về tài chính và bảo hiểm của có thể tác động trầm trọng tới lợi nhuận hơn so với giá than giảm.

Thungela và Exxaro đã ghi nhận lợi nhuận giảm lần lượt 75% và 29% trong nửa đầu năm nay do giá than thấp hơn. Công ty khai thác Glencore cho biết, lợi nhuận từ tài sản công nghiệp đã giảm 51% trong nửa đầu năm do giá thấp hơn, đặc biệt là giá than và ảnh hưởng của lạm phát.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục