Các công trình trọng điểm chắp cánh cho bất động sản khu Đông

(ĐTCK) Là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian qua, khu Đông tiếp tục tăng sức hút khi hàng loạt công trình hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ giữ vai trò trung tâm tài chính, kinh tế tầm cỡ quốc tế trong tương lai. Ảnh: Lê Toàn Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ giữ vai trò trung tâm tài chính, kinh tế tầm cỡ quốc tế trong tương lai. Ảnh: Lê Toàn

Những điểm nóng “ăn theo” hạ tầng

Cuối tuần qua, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã chính thức thông xe dự án cầu qua Đảo Kim Cương. Đây là cây cầu kết nối trục đường Mai Chí Thọ và khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP.HCM).

Cầu qua đảo Kim Cương dài gần 300 m, rộng 22 m với 4 làn xe, nằm ở đoạn qua nhánh sông Giồng Ông Tố. Điểm đầu của cầu tiếp nối đường ven sông Sài Gòn trong khu dân cư 30 ha phường Bình Khánh, quận 2. Điểm cuối tiếp nối đường ven sông phía phường Thạnh Mỹ Lợi.

Mặc dù việc xây dựng cầu bắc qua đảo Kim Cương được biết từ trước và giá đất tại những khu vực này đã từng tăng cao do đón đầu công trình này, nhưng sau sự kiện thông cầu này, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, thêm một lần nữa, giá đất tại các khu vực quanh cầu qua đảo Kim Cương lại tăng mạnh.

Đơn cử, tại Dự án khu biệt thự cao cấp Saigon Mystery Villas của Hưng Thịnh Corp nằm trong khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, được bán hết từ đầu năm 2018. Giá đất nền biệt thự của dự án trước đây hơn 80 triệu đồng/m2, nhưng hiện thấp nhất đã hơn 100 triệu đồng/m2.

Không chỉ Dự án Saigon Mystery Villas, theo các môi giới bất động sản tại khu vực này, chỉ tính trong gần 1 tuần qua, giá đất ở nhiều dự án thừa hưởng lợi ích từ cây cầu này đã tăng từ 5 - 10% so với trước đó.

Nếu như ở quận 2, điểm nóng giá đất ăn theo hạ tầng là cầu qua đảo Kim Cương, thì ở quận 9, tâm điểm thị trường nhắm đến là bến xe miền Đông và Bệnh viện Ung bướu 2.

Hạ tầng đang trở thành thế mạnh của bất động sản khu Đông TP.HCM.  Ảnh: Lê Toàn 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thông tin mới nhất từ Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), theo đúng kế hoạch, Bến xe Miền Đông mới dự kiến đến tháng 1/2019 sẽ chính thức đưa vào hoạt động. Đây là bến xe sẽ thay thế cho Bến xe miền Đông hiện hữu tại quận Bình Thạnh, với mục tiêu trở thành bến xe liên tỉnh phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm.

Để đạt mục tiêu trở thành bến xe liên tỉnh phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, giảm ùn tắc trong khu vực nội đô, bến xe này phải có sự kết nối với các loại hình giao thông công cộng.

Kế bên Bến xe miền Đông, Bệnh viện Ung bướu 2 trên đường D400 đang được xây dựng, dự kiến cũng sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2019. Đây là dự án Bệnh viện nhóm A, quy mô 10 tầng lầu, 2 tầng hầm, 1.000 giường bệnh, có sân đỗ trực thăng rộng 300 m2 ở tầng trên cùng, tọa lạc trên khu đất 5,5 ha.

Theo Sở Y tế TP.HCM, đây sẽ là bệnh viện chuyên khoa hiện đại hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài các dự án trọng điểm này, khu vực này còn là nơi tập hợp của hàng loạt công trình trọng điểm khác như tuyến Metro số 1, Khu du lịch Suối Tiên, Khu công nghệ cao TP.HCM….

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian qua, giá đất khu vực này đã tăng chóng mặt. Tại đường Hoàng Hữu Nam, tuyến đường mặt tiền của Bến xe miền Đông mới, nếu như cuối năm 2017 giá đất mặt tiền đường chỉ dao động từ 40 - 50 triệu đồng/m2, hiện nay đã tăng lên 80 - 100 triệu đồng/m2. Những khu vực xung quanh Bến xe miền Đông cũng có mức giá tăng khá mạnh, dao động từ mức 40 - 50 triệu đồng/m2.

Còn tại đường D400, gần Bệnh viện Ung bướu 2, giá đất cũng tăng nhanh trong khoảng gần 1 năm qua, hiện giá đất mặt tiền đường đang được dao dịch từ 50 - 70 triệu đồng/m2.

Ngoài những công trình kể trên, đến thời điểm này, hầu hết những công trình giao thông trọng điểm đều đi qua khu Đông, như hầm sông Sài Gòn, đường Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, nối từ trung tâm Thành phố với quận 2 và quận 9, hay đường Phạm Văn Đồng, nối Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức…, đã tạo cho toàn khu Đông một hệ thống kết nối giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh.

Xác lập mặt bằng giá mới

Cùng với sự bứt phá của hạ tầng, thị trường bất động sản khu Đông còn được kỳ vọng bứt phá nhờ chủ trương của Thành phố sẽ phát triển khu Đông thành khu đô thị sáng tạo.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, ý tưởng xây dựng khu Đông thành khu đô thị sáng tạo dựa trên đặc thù và nguồn lực sẵn có của Thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm giữ vai trò trung tâm tài chính, kinh tế tầm cỡ quốc tế, Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia với nguồn lực dồi dào về đất đai, nhân lực.

Việc xây dựng đô thị sáng tạo liên kết quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức không chỉ là mối quan hệ hành chính, mà còn mang tính đặc thù của Thành phố, nhất là khi TP.HCM được Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54. Thành phố mong muốn có được lực lượng chuyên gia đến hiến kế, tư vấn cho Thành phố phát triển theo hướng giá trị cao.

Theo phân tích của giới chuyên môn, việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng là điều dễ hiểu, trong đó yếu tố chính là do sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm Thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Real cho biết, nếu cách đây 5 năm về trước, giá đất ở các quận trung tâm như Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 3… so với giá đất tại khu Đông có mức chênh lệch khá cao, thì hiện nay, mức giá ở các quận này đã xấp xỉ nhau, thậm chí nhiều khu vực ở các quận Thủ Đức, quận 2 còn cao hơn nhiều so với các quận trung tâm.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, xét ở góc độ nhu cầu chọn khu vực để an cư, trong mắt người có nhu cầu về nhà ở, các quận khu Đông vẫn đang là lựa chọn hấp dẫn nhất. Hiện nay, tình trạng kẹt xe ở nhiều khu vực khác ngày càng trầm trọng, trong khi khu Đông nhờ phát triển sau, nên hướng mở về giao thông rất thông thoáng. Do vậy, việc ngày càng nhiều người muốn chuyển về khu Đông để an cư đã trở thành xu hướng.

“Hiện giá bất động sản tại khu Đông đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Giá hiện nay khả năng sẽ không còn tăng cao, nhưng sẽ rất khó giảm”, ông Quang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay, áp lực về tình trạng quá tải giao thông đô thị đã khiến nhiều người trước nay sống ở khu Nam hay ở các quận như Tân Phú, Tần Bình, Bình Tân, Bình Chánh, ngày phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, đã tính đến chuyện phải chuyển về khu Đông để sinh sống.

Theo ông Châu, việc TP.HCM có chủ trương xây dựng khu Đông thành khu đô thị sáng tạo là ý tưởng mang tính đột phá trong quá trình xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh.

“Với những gì đang diễn ra, giá trị bất động sản ở khu Đông chắc chán sẽ ngày càng gia tăng”, ông Châu đánh giá.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục