Nắng dòng kiều hối vào cơ sở hạ tầng
Phát biểu tại tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" ngày 23/4, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, trong các nguồn lực phát triển, thành phố luôn xác định ngân sách là nguồn lực đầu tiên, mang tính dẫn dắt, là dòng vốn mồi để từ đó thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho TP.HCM hơn 33.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố là 142.500 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2024, TP.HCM được giao vốn đầu tư công 79.000 tỷ đồng. Con số này xét về nhiệm vụ giải ngân là rất lớn, kỷ lục trong công tác đầu tư công, nhưng nếu so với nhu cầu đầu tư thực tế thì cũng chưa đáp ứng hết được.
Đơn cử, theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, Thành phố đã tính toán cần kinh phí khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng, các nguồn vốn khác như ODA, PPP là hơn 570.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng tại TP. HCM dự kiến là 243.000 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%. Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hàng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.
Nhìn thẳng vào thực tế như vậy để thấy rằng nguồn lực phát triển là bài toán rất lớn cho thành phố. Chính vì vậy, TP.HCM đã tích cực đề xuất và được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, từ đó mở ra cho TP.HCM nhiều cơ chế vượt trội nhằm huy động được nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là cơ chế về quản lý đầu tư, về tài chính ngân sách, thu hút nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư trong lĩnh vực đối tác công tư… Đặc biệt trong đó có việc thí điểm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), các tuyến metro sẽ là hạt nhân trong mô hình này.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, điều đáng trân trọng là trong quá trình gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo thành phố, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài luôn bày tỏ mong muốn được đầu tư nhiều hơn nữa cho quê hương, đặc biệt là cho TP.HCM. Đầu năm 2023, UBND TP.HCM đã giao Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM xây dựng Đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”. Qua nhiều lần dự thảo, lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các cơ quan đơn vị liên quan, đến nay Đề án đang được tiếp tục hoàn thiện để sớm được thông qua và thực hiện.
Nên phát hành trái phiếu huy động kiều hối
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, nhu cầu phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội của TP.HCM rất lớn, nhưng ngân sách Thành phố chỉ đảm bảo được khoảng 1/3, 2/3 còn lại dựa vào nguồn lực xã hội… Trong xu hướng ODA đang trở nên đắt đỏ, FDI đang chững lại, vốn đầu tư công không còn dư địa lớn, bối cảnh hiện nay đang là thời của trái phiếu lên ngôi và hợp tác công tư chính là giải pháp bền vững.
Phân tích thêm, ông Lộc chỉ ra rằng, trong bối cảnh đầu tư sản xuất - kinh doanh ngày càng khó khăn, doanh nghiệp suy giảm, đầu tư vào thị trường chứng khoán bấp bênh, vàng nhiều rủi ro, lãi suất ngân hàng đang ở mức rất thấp, kênh đầu tư khác đang trở nên khó khăn hơn thì xu hướng chung là nhà đầu tư sẽ tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn, ít mạo hiểm và trái phiếu được người dân cũng như các nhà đầu tư hướng đến.
Đồng thời, tiềm năng của kiều bào rất rõ, lượng kiều hối gửi về gia tăng, ngoài việc gửi về Việt Nam như khoản tiết kiệm, thì nguồn vốn đầu tư của người Việt ở nước ngoài vẫn còn lớn nếu chúng ta có cách thức huy động.
Do vậy, việc hoàn thiện thể chế để tiếp sức, khơi nguồn, khuyến khích huy động đầu tư… là rất quan trọng, đặc biệt là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Thống kê có khoảng 50% kiều bào Việt Nam có mối quan hệ với TP.HCM và đây là nguồn lực lớn.
"Tôi thấy rằng việc đầu tư của bà con trên cơ sở lợi ích, nhưng sự đóng góp của bà con trên cơ sở khơi gợi lòng yêu nước cũng rất quan trọng cho sự phát triển của TP.HCM", ông Lộc nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, một kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước mà kiều bào có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển TP. HCM cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, để việc phát hành trái phiếu thành công, TP. HCM phải đảm bảo và chứng minh tình hình tài chính của Thành phố đủ khả năng để trả lãi suất và vốn gốc đúng hạn. Trong đó, phải minh bạch, trái phiếu sẽ tài trợ cho dự án đặc biệt nào chứ không thể nói chung chung là cho các dự án hạ tầng.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, cũng cần phải xác định một mức lãi suất hợp lý và phù hợp với thị trường để thu hút các nhà đầu tư, phải phù hợp với khả năng trả nợ của tổ chức phát hành, đảm bảo chính quyền địa phương có khả năng chi trả lãi và gốc của trái phiếu. Việc này đòi hỏi phải đánh giá tình hình tài chính của thành phố, bao gồm cả nguồn thu và nguồn chi, nợ công và khả năng trả nợ. Kiểm tra và tuân thủ các quy định pháp lý cụ thể đối với việc phát hành và phân phối trái phiếu tại Việt Nam và các quốc gia sở tại.
“Tôi dự đoán khả năng TP.HCM phát hành trái phiếu cho kiều bào để tài trợ các dự án trọng điểm của thành phố sẽ thành công khoảng 70% cho đợt chào bán đầu tiên với số lượng chào bán 100 triệu USD, với điều kiện mà tôi đề xuất được thực hiện”, ông Hiếu khẳng định.
Là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, kiều hối về TP.HCM hàng năm luôn chiếm 38 - 53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam và tăng trung bình 3% - 7%/năm; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng kiều hối 43,3% so với năm 2022.
Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM cung cấp, quý I/2024, kiều hối chuyển về trên địa bàn Thành phố đạt 2,87 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý IV/2023 và tăng 35,4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây.
"TP.HCM nhìn nhận tầm quan trọng của kiều hối đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nên đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước như không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng…", bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nói.
Tuy nhiên, theo bà Mai, TP.HCM vẫn chưa có cơ chế, chính sách chuyên biệt thu hút nguồn vốn của người Việt Nam ở nước ngoài đưa vào sản xuất, kinh doanh để trực tiếp thẩm thấu vào nền kinh tế Thành phố; chưa có chính sách cụ thể, hữu hiệu trong việc định hướng hình thành và phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp, các thị trường cụ thể đáp ứng nhu cầu và sự phù hợp của người Việt Nam ở nước ngoài với mức thu nhập khác nhau. Chính vì vậy, Ủy ban cùng các cơ quan liên quan đang tham mưu hoàn thiện và triển khai Đề án “Chính sách kiều hối trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030”.
Mục tiêu của Đề án là duy trì và phát triển nguồn lực kiều hối về Thành phố, tạo hành lang cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng giúp nguồn kiều hối gửi về Thành phố thuận lợi hơn và dịch chuyển tập trung sang một kênh chính ngạch.
Mục tiêu tiếp theo là “nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho công dân Thành phố… Cụ thể, xây dựng được ít nhất 05 dự án phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.
“Nắn dòng” nguồn lực kiều hối phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài để đầu tư và phát triển kinh doanh tại TP.HCM; khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào các dự án phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường tại TP.HCM; Tạo sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước về nguồn lực kiều hối đóng góp sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và Thành phố nói riêng.