Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tăng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, gia tăng nhu cầu bảo hiểm đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, mảng bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến tăng trưởng doanh thu phí trong năm 2015 ở mức hai con số, khoảng 10 - 12%. Trong đó, các nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho thị trường bảo hiểm.
Trong khi đó, với tiềm năng còn lớn và các yếu tố hỗ trợ của cơ cấu dân số, kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách…, mảng bảo hiểm nhân thọ trong năm 2015 dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, ước tăng 15 - 17% so với năm 2014.
Bộ Tài chính cho biết, các chỉ tiêu kế hoạch trọng yếu của thị trường bảo hiểm năm 2015 về cơ bản dựa trên Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/2/2012.
Theo Chiến lược, năm 2015, tổng giá trị đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phấn đấu đạt 120.750 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2014 vừa qua, toàn ngành bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế gần 130.000 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư 103.260 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tư 25.678 tỷ đồng. Như vậy, ngành này đã về đích khá sớm so với kế hoạch đề ra tại Chiến lược nêu trên. Mục tiêu đến năm 2020, tổng giá trị đầu tư là gần 282.000 tỷ đồng.
Chỉ tiêu doanh thu năm 2015 của ngành bảo hiểm là đạt 2 - 3% GDP. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài chính, doanh thu ngành bảo hiểm năm 2014 chiếm 2,44% GDP.
Các chỉ tiêu trọng yếu khác của ngành bảo hiểm năm 2015 là: quy mô quỹ dự phòng nghiệp vụ gấp 2 lần so với năm 2010 (55.324 tỷ đồng), tương đương 110.648 tỷ đồng (năm 2014, con số này ước đạt 97.099 tỷ đồng); đóng góp vào ngân sách nhà nước gấp 2 lần so với năm 2010.
Bên cạnh đó, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động khai thác bảo hiểm; phát triển nhiều kênh phân phối mới, tăng tỷ trọng khai thác từ các kênh phân phối khác từ 2% năm 2013 lên 10% năm 2015; phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới mang tính đột phá, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người tham gia bảo hiểm; tăng từ 6% dân số được bảo hiểm lên 10% dân số được bảo hiểm (tương ứng với 9 triệu người được bảo hiểm)...
Theo Bộ Tài chính, 2015 là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011- 2020. Một số mảng việc trọng yếu được thị trường bảo hiểm tập trung thực hiện trong năm nay đó là: hoàn thiện hệ thống trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm.
Trong đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2007/NĐ-CP và Nghị định 46/2007/NĐ-CP, hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm hưu trí, chính sách bảo hiểm vi mô…
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, ngoài hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, kênh phân phối mới, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống công nghệ hiện đại để tiếp cận rộng hơn tới người dân; nắm sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường.