Trong tài liệu ĐHCĐ mới công bố, CFV cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn bởi đa số người nhận khoán vẫn chưa hợp tác trong thực hiện hợp đồng giao khoán. Bên cạnh đó, năm 2022 cũng là năm kinh doanh gặp khó khăn, bởi biến động giá cả do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraina, lạm phát…., nền kinh tế của nhiều nước rơi vào suy thoái, làm sức mua hàng hóa sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ cà phê toàn cầu, các khoản chi phí tăng cao. Do vậy kết quả kinh doanh năm 2022 cũng không đạt hiệu quả cao.
Cụ thể, năm 2022, Cà phê Thắng lợi đặt mục tiêu doanh thu đạt 398 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, CFV ghi nhận doanh thu đạt 450,7 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, vượt 13% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,3 tỷ đồng, giảm 77,5% so với con số gần 5,9 tỷ đồng của năm 2021 và chỉ hoàn thành 33% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đáng chú ý, Công ty ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 âm 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng. Nhờ thu nhập khác tăng mạnh, nên 2022 mới thoát lỗ.
Sang năm 2023, dù vẫn dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn tiếp tục gặp những khó khăn cơ bản, nhưng CFV vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với lợi nhuận sau thuế tăng 249% so với thực hiện của 2022, đạt 3,3 tỷ đồng, dù kế hoạch doanh thu giảm 17% so với thực hiện của năm 2022, còn 372,18 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận, năm nay Công ty tiếp tục đưa ra phương án không chia cổ tức mà chuyển hết lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển giống như 2 năm trước. Theo lý giải của CFV, việc Công ty không chia cổ tức mà trích hết lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển là do Công ty đang hoạt động rất khó khăn và phần lợi nhuận chỉ 1,3 tỷ đồng.
Năm 2021, Công ty lãi sau thuế gần 5,9 tỷ đồng và đã trích hết sang quỹ đầu tư phát triển theo phương án ĐHCĐ năm 2022 đã thông qua. Công ty cũng đã đầu tư 1,85 tỷ đồng, còn dư 4,05 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tháng 8 và tháng 12/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk, cổ đông lớn thứ 2 của CFV, đang sở hữu 36% vốn điều lệ đã có các công văn đề nghị Công ty chia cổ tức bằng tiền mặt đối với lợi nhuận sau thuế năm 2021 cho phần vốn nhà nước tại Công ty và đề nghị đưa ra thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2023.
Với đề xuất này, Ban lãnh đạo CFV đã đưa ra phương án chia hết số lợi nhuận còn lại 4,05 tỷ đồng bằng tiền mặt để trình ĐHCĐ năm 2023.
Tuy nhiên, có một vấn đề cần lưu ý là lượng cổ đông của CFV quá cô đặc khi 2 cổ đông đã nắm giữ tới 97,36% vốn điều lệ Công ty. Trong đó, cổ đông lớn nhất là bà Phạm Thị Linh, vợ ông Đỗ Hoàng Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty, sở hữu 61,36% vốn. Như vậy, việc có thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền hay không chỉ là vấn đề thỏa thuận giữa các cổ đông lớn.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần có sự chênh lệnh quá lớn. Nguồn: BCTC doanh nghiệp. |
Trước đó, trong ĐHCĐ 2022, khi CFV trình ĐHCĐ phương án phân phối lợi nhuận với việc trích 100% lợi nhuận sau thuế năm 2021 vào quỹ đầu tư phát triển và không chia cổ tức, thì tỷ lệ tán thành là 63,974%. Điều này có nghĩa là cổ đông nhà nước không thông qua phương án.
Trích tờ trình (Số: 79/2023/TT – HĐQT) V/v: Thông qua Phương án phân phối lợi nhuận và thực hiện chia cổ tức đối với lợi nhuận sau thuế năm 2021 của CFV. |
Một điểm đáng chú ý nữa là theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022, tới cuối năm 2022, CFV chỉ có lượng tiền mặt hơn 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ với nội dung, đến thời điểm 31/12/2022, Công ty vẫn chưa được quyết toán chi phí cổ phần hoá và xác định giá trị phần vốn nhà nước để bàn giao sang công ty cổ phần do các vấn đề xử lý tồn tại tài chính còn vướng mắc.
Trên thị trường chứng khoán, bất chấp kết quả kinh doanh đì đẹt, nhưng cổ phiếu CFV lại có những đợt tăng mạnh với hàng chục phiên tăng trần liên tiếp.
Lần thứ nhất, giá CFV tăng trần 23 phiên liên tiếp, từ 4.300 đồng/cổ phiếu ngày 15/8/2022 lên 91.300 đồng/cổ phiếu ngày 16/9/2022, tương đương tăng 21 lần sau 1 tháng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cổ phiếu rất thấp, nhiều phiên chỉ có 100 đơn vị được chuyển nhượng.
Theo văn bản giải trình của Cà phê Thắng Lợi, việc cổ phiếu liên tục tăng trần với khối lượng giao dịch thấp như vậy là điều bất thường (tất cả các phiên tăng trần đều chỉ có 1 lệnh mua và 1 lệnh bán giá trần trong phiên). Công ty nghi ngờ một số cá nhân tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân.
Diễn biến "trồi sụt" của cổ phiếu CFV |
Lần thứ hai, từ ngày 20/2/2023 tới 9/3/2023, sau 2 tháng giao dịch lình xình, cổ phiếu CFV có chuỗi tăng trần 14 phiên liên tiếp, đẩy giá từ 8.600 đồng/cổ phiếu lên 67.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng từ vài trăm đơn vị lên 2.000 - 5.300 đơn vị mỗi phiên.
Lần này, Cà phê Thắng Lợi cho rằng, giá cổ phiếu tăng trần liên tục là do diễn biến của thị trường chứng khoán, phía Công ty không có cơ sở để giải trình.
Hiện cổ phiếu này giao dịch quanh mức 30.700 đồng/cổ phiếu và đang ở diện cảnh báo từ ngày 23/3 do báo cáo tài chính của CFV bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.