Cụ thể, theo số liệu trong Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết tháng 7/2023, có 1.518 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 215 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 263 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 40,8%; và 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó, đã công nhận 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 5.069 chủ thể tham gia. Cả nước có 20.057 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại.
Về tiêu thụ, phát triển thị trường, theo báo cáo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm nay đạt 52,37 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước (vẫn duy trì xuất siêu 5,88 tỷ USD).
Về thị trường xuất khẩu, 7 tháng qua, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%.
Về đầu tư xây dựng cơ bản, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 9.852 tỷ đồng (vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng). Ước đến 31/7 vừa qua đã giải ngân 3.719,9 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Trong đó, tập trung các nội dung, đột phá sau: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Định hướng các địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu...); mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi...; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành năm 2023 và chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Song song với đó, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành. Phát triển thị trường lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Đặc biệt, chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư.