Chính phủ vừa ban hành danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020. Theo đó cả nước có 2.961 cơ sở.
Trong danh sách này, Hà Nội có 193 cơ sở, Vĩnh Phúc 61 cơ sở, Bắc Ninh 129 cơ sở, Quảng Ninh 150 đơn vị, Hải Dương 82 đơn vị, Hải Phòng có 109 đơn vị, Hưng Yên có 86 đơn vị, Bình Dương có 309 cơ sở, Đồng Nai có 261 cơ sở, Bà Rịa - Vũng Tàu có 104 cơ sở, TP.HCM có 286 cơ sở, Long An có 107 cơ sở…
Các địa phương được liệt kê không có cơ sở nào là Bắc Kạn. Còn Điện Biên và Trà Vinh đều có 1 cơ sở, Lai Châu và Hà Giang đều có 2 cơ sở.
Theo quy định hiện hành, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1.000 TOE) trở lên; các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.
Vào năm 2011, Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được công bố có tên 1.190 cơ sở. Trong đó, TP. HCM có 169 cơ sở, Hà Nội có 139 và Bình Dương có 117 cơ sở.
Trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm:
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Xây dựng chế độ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Chỉ định người quản lý năng lượng.
- Ba năm một lần thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc.
- Áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở.
Trách nhiệm của người quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
- Xây dựng kế hoạch hằng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Tổ chức mạng lưới quản lý hoạt động sử dụng năng lượng, áp dụng mô hình quản lý năng lượng.
- Thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt.
- Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Theo dõi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thiết bị và toàn bộ dây chuyền sản xuất; sự biến động của nhu cầu tiêu thụ năng lượng liên quan đến việc lắp đặt mới, cải tạo, sửa chữa thiết bị sử dụng năng lượng; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn trong hoạt động sử dụng năng lượng.