Phát huy lợi thế
Là tỉnh duy nhất của Việt Nam có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, diện tích tự nhiên hơn 5.200 km2, chiếm 13,15% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước; phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Ngư trường Cà Mau rộng khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy sản phong phú; khu vực nuôi trồng thủy sản hơn 300.000 ha. Rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm U Minh Hạ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và khu Ramsar của thế giới.
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi, điện mặt trời kết hợp trên đất nuôi trồng thủy sản, điện sinh khối... là cơ hội cho Cà Mau xuất khẩu điện trong khu vực.
Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch “Địa đầu cực Nam - khám phá - môi trường - kết nối”, trong đó khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, là điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của vùng ĐBSCL.
Chịu ảnh hưởng lớn nhất vùng ĐBSCL về biến đổi khí hậu, cùng với hạ tầng, nguồn lực còn thiếu và yếu, Cà Mau xác định, 3 lợi thế nổi bật của địa phương cần tập trung phát triển là thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh đột phá hạ tầng giao thông, chuẩn bị dự án cao tốc TP. Cà Mau - Đất Mũi, nâng cấp phù hợp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Cà Mau, nhất là nâng cấp sân bay Cà Mau, xây dựng các tuyến đường cao tốc và phát triển đường thủy nội địa, đường biển (cảng Hòn Khoai). Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, bảo đảm kết nối nội tỉnh và giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế.
Cà Mau đã và đang tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo đột phá mới. Đẩy nhanh nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, đặc biệt là tập trung đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cà Mau cũng mong các bộ, ngành trung ương tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động trung tâm đầu mối thủy sản vùng bán đảo Cà Mau và khẩn trương triển khai các công việc cần thiết để mở rộng Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau, bởi mọi điều kiện đã đầy đủ và sẵn sàng.
Kinh tế tiếp tục khởi sắc
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc, gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển…
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GRDP 3 quý đầu năm 2024 của tỉnh Cà Mau ước tăng 6,45% so cùng kỳ, tiếp tục ổn định và có mặt tăng trưởng khởi sắc trong điều kiện nhiều khó khăn và thách thức của kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,43%, khu vực dịch vụ tăng 8,4%...
Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 9 đạt 51.240 tấn, lũy kế 9 tháng của năm là 483.193 tấn, bằng 74,1% kế hoạch, tăng 1,8% so cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm đạt 19.852 tấn, lũy kế 9 tháng đạt 187.676 tấn, bằng 74,2% kế hoạch, tăng 1,4% so cùng kỳ.
Các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tốt, một số chỉ tiêu tăng trưởng so cùng kỳ như: tổng sản lượng thủy sản tăng 1,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 9%; Chỉ số Sản xuất công nghiệp lũy kế tăng 5,1%. Sản xuất công nghiệp được phục hồi và sản lượng ngày càng tăng, trong đó sản lượng chế biến tôm tăng 3,8% so cùng kỳ; sản lượng khí thương phẩm tăng 4% so cùng kỳ; sản lượng điện sản xuất tăng 4,1% so cùng kỳ; sản lượng điện thương phẩm tăng 8,9% so cùng kỳ; sản lượng LPG - Condensate tăng 10,7% so cùng kỳ; sản lượng phân bón tăng 14,5% so cùng kỳ…
Cà Mau đang đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tổ chức 2 hội nghị tập huấn về thương mại điện tử; tổ chức Đoàn đi học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về thương mại điện tử và một số mô hình ứng dụng thương mại điện tử tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Ban hành Kế hoạch tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau; đăng ký tham gia Chương trình Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2024.
Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 959,3 triệu USD, bằng 76,8% kế hoạch, tăng 9% so cùng kỳ.
Đến nay, có 5 dự án điện gió tổng công suất 170 MW đã vận hành thương mại, có 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 111,564 MWp.
Ngày 7/8/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1574/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 29 đô thị, trong đó phấn đấu TP. Cà Mau là đô thị loại I.
Về thu hút đầu tư, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm tra (nhất là kiểm tra các quy trình, hồ sơ, thủ tục…) các công trình, dự án đã giao cho nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; xem xét, thu hồi dự án không đảm bảo điều kiện, tiến độ theo quy định. Trong tháng 9 vừa qua, tỉnh tổ chức 2 cuộc họp xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với 7 dự án đầu tư ngoài ngân sách; điều chỉnh tiến độ 1 dự án đầu tư, điều chỉnh vốn 1 dự án đầu tư và thu hồi 1 dự án đầu tư (vốn đăng ký giảm 90 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm đến nay, Cà Mau thu hút thêm 12 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 2.239,3 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 có 9 dự án mới, với tổng vốn đăng ký 282,7 tỷ đồng). Hiện toàn tỉnh có 459 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 146.620,8 tỷ đồng (trong đó, có 11 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư 163,5 triệu USD).
Đặc biệt, Cà Mau đạt tỷ lệ nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến (qua mạng) đạt 100% trên tổng số hồ sơ phát sinh, được sự đồng thuận cao và giúp giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2024
Tại Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng và bàn giải pháp hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu năm 2024 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm không còn nhiều, toàn hệ thống chính trị phải hợp sức khơi thông cho được những điểm nghẽn, huy động tối đa nguồn lực trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ để đạt kết quả cao nhất, nhiều nhất có thể.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Cà Mau cũng yêu cầu các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, hạn chế; rà soát, đối chiếu các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Tỉnh ủy, có giải pháp, cách làm phù hợp.
Nhằm thực hiện đạt và vượt mức các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, làm tiền đề cho việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Cà Mau tập trung triển khai các giải pháp sau:
Một là, tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023. Xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh. Xây dựng các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai danh mục công trình bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên năm 2024; thực hiện tốt công tác đầu tư, xây dựng lộ giao thông nông thôn theo kế hoạch. Tăng cường công tác quyết toán, tất toán dự án hoàn thành; thu hồi tạm ứng ngân sách nhà nước theo quy định.
Ba là, chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thu, chi ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách quyết liệt triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất. Triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và thế mạnh của tỉnh.
Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thu hút đầu tư các dự án đột phá, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tích cực thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện điểm số và thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, làm tiền đề cho tăng trưởng phát triển giai đoạn 2020- 2025 và những năm tiếp theo.