Cà Mau quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế từ 8,5% trở lên

Ổn định nhanh tổ chức sau sáp nhập, đề ra giải pháp hiệu quả, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm, đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, ngành công thương tỉnh Cà Mau quyết tâm tăng trưởng 8,5% trong năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 theo định hướng đề ra.

Kinh tế tỉnh Cà Mau bước đầu khởi sắc sau sáp nhập

Với sự đồng thuận cao từ lãnh đạo chính quyền, người dân và doanh nghiệp, việc sáp nhập tỉnh Cà Mau (cũ) và Bạc Liêu (cũ) được xem là chủ trương lớn của Trung ương nhằm tạo thêm không gian phát triển, sức bật mới để khai thác hiệu quả và bền vững vùng đất mũi Cà Mau giàu tiềm năng. Qua đó, hiện thực hóa khát vọng vươn lên, bứt phá, tăng tốc phát triển, đưa Cà Mau cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Rõ nhất là các lợi thế đi đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản và ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Sau khi sáp nhập thành tỉnh Cà Mau (mới), các lĩnh vực then chốt này đã cho thấy nhiều khởi sắc và hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng khí thương phẩm đạt 898 triệu m3, bằng 49,89% kế hoạch, giảm 1,64% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng LPG - condensate đạt 74.467 tấn, bằng 53,19% kế hoạch, giảm 1,35% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất đạt 4.101,05 triệu kWh, bằng 49,93% kế hoạch, giảm 2,65% so với cùng kỳ. Sản lượng phân bón đạt 697.436 tấn, bằng 61,18% kế hoạch, tăng 7,29% so với cùng kỳ.

Tại khu vực Bạc Liêu (cũ) đang duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió, tổng công suất 469,2 MW. Trong khi đó, Cà Mau (cũ) có 6 dự án đã đi vào vận hành thương mại, đạt tổng công suất 225 MW. Ngoài ra, toàn tỉnh có 8 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó 3 dự án với tổng công suất 276 MW đang triển khai thi công.

Đặc biệt, tiềm năng và dư địa phát triển của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau còn rất lớn, nhất là với kế hoạch mở rộng 2 nhà máy điện khí Cà Mau. Xuất khẩu Đạm Cà Mau liên tục tăng trưởng, cùng các sản phẩm từ Khí Cà Mau ngày càng đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng. Sản lượng điện khí Cà Mau còn nhiều tiềm năng, cần huy động tối đa để đưa lên lưới điện quốc gia, tạo nguồn lợi từ điện và khí, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh đạt 8,5% năm nay.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,15 tỷ USD, bằng 44,09% kế hoạch, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 104.059 tỷ đồng, bằng 50,15% kế hoạch, tăng 15,52% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, đạt được những tín hiệu khởi sắc trên là nhờ cung - cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất - kinh doanh cho người dân.

Các hoạt động xúc tiến thương mại với các hội chợ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Tuy có nhiều thách thức, nhưng hoạt động xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, mặt hàng xuất khẩu từng bước được đa dạng.

Phát biểu tại lễ công bố chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Cà Mau vào cuối tháng 6/2025, ông Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh, việc vận hành hệ thống chính quyền 2 cấp hiện nay không chỉ là sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương cho sự phát triển dài hạn, tạo bước ngoặt lịch sử để mở rộng không gian phát triển, tạo động lực và nguồn lực mới, sức mạnh cộng hưởng để xây dựng tỉnh Cà Mau có quy mô kinh tế lớn hơn, kết cấu hạ tầng đồng bộ hơn, sức cạnh tranh và tính kết nối cao hơn, với mục tiêu bao trùm chung, khát vọng vươn lên mãnh liệt.

Quyết tâm tăng trưởng từ 8,5% trở lên

Tuy có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm, nhưng lãnh đạo ngành công thương Cà Mau cũng thừa nhận, nhiều chỉ tiêu do ngành phụ trách chưa đạt kế hoạch đề ra, do ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại...

Việc vận hành hệ thống chính quyền 2 cấp tạo bước ngoặt lịch sử để mở rộng không gian phát triển, tạo động lực và nguồn lực mới, sức mạnh cộng hưởng để xây dựng tỉnh Cà Mau có quy mô kinh tế lớn hơn, hạ tầng đồng bộ hơn.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau

Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, nhằm phát huy cơ hội mới, tận dụng mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngành công thương năm 2025, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của tỉnh 8,5% trở lên năm 2025 (cao hơn 0,5% so với Chính phủ giao). Trong đó, ngành tập trung ổn định nhanh tổ chức, bộ máy để vận hành hiệu lực, hiệu quả; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực công thương, góp phần vào tăng trưởng chung. Bên cạnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, ngành công thương tỉnh Cà Mau tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị có liên quan, tham mưu, đề xuất phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ nhà máy trong Cụm Khí - Điện - Đạm duy trì hoạt động ổn định, tăng sản lượng điện khí để sản lượng khí thương phẩm và khí hóa lỏng tăng. Có văn bản đề xuất UBND tỉnh đăng ký làm việc với Bộ Công thương, Công ty TNHH một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam về việc xem xét, có phương án tổng thể bảo đảm nguồn cung cấp khí ổn định, bền vững cho Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau và tăng cường phân bổ sản lượng điện huy động 6 tháng cuối năm 2025 tối đa theo khả năng cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 (dự kiến hoàn thành tháng 8/2025).

Hai là, hỗ trợ các nhà máy chế biến thủy sản hoạt động ổn định, tạo điều kiện để Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau tiếp cận với các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn Bạc Liêu (cũ), qua đó, vận động các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia Hội.

Ba là, tăng cường kiểm tra các cơ sở sơ chế thủy sản không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản; rà soát, thống kê, theo dõi sản lượng chế biến của các nhà máy.

Bốn là, phấn đấu đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Điện gió Cà Mau 1A (công suất 88 MW), 1B (công suất 88 MW); đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III công suất 141 MW, sớm đưa vào vận hành thương mại (xây dựng hoàn thành 99 MW trong năm 2025); phối hợp với UBND xã Lương Thế Trân và các đơn vị liên quan thực hiện quy trình bảo vệ thi công kéo dây tại các khoảng trụ 103 - 104 - 105 đường dây 220 kV Nhà máy Điện gió 1A - Trạm biến áp 220 kV Cà Mau. Đồng thời, có văn bản tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Công thương tăng khả năng huy động hết công suất phát của các nhà máy điện gió đang vận hành thương mại (đảm bảo công suất phát trên lưới điện trên 90%). Dự kiến tháng 8/2025.

Năm là, theo dõi các dự án chậm tiến độ trong khu vực miền Nam để kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh (mở rộng Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, công suất 1.500 MW)

Sáu là, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, công suất 3.200 MW; ngành công thương khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính và nhà đầu tư tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để báo cáo và đề xuất UBND tỉnh đăng ký làm việc với Bộ Công thương xin ý kiến tháo gỡ một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án và dự kiến có văn bản tham mưu UBND tỉnh Cà Mau trong quý III/2025.

Bảy là, rà soát các quy hoạch ngành, tỉnh; kiến nghị điều chỉnh, đảm bảo đấu nối giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Tám là, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình lưới điện tại các dự án: đường dây 220 kV 220 kV Cà Mau 2 - Năm Căn, công trình xuất tuyến 4 mạch đường dây 110 kV Trạm 220 kV Năm Căn và công trình xuất tuyến đường dây 110 kV mạch kép từ trạm 220 kV Năm Căn.

Chín là, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư Dự án khai thác mỏ khí Khánh Mỹ - Đầm Dơi kịp tiến độ vận hành.

Mười là, phối hợp các đơn vị có liên quan đề xuất UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đã có trong quy hoạch.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục