Lên phương án sản xuất “3 tại chỗ” tại các nhà máy, xí nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản
Với lợi thế thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, Cà Mau hiện có hơn 279.851 ha nuôi tôm trong tổng số khoảng 302.635 ha nuôi trồng thuỷ sản. Ðặc biệt, trong đó có hơn 8.571,8 ha với khoảng 13.966 hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Cùng với hoạt động nuôi trồng, hơn 4.567 phương tiện đang ngày đêm hoạt động khai thác trên biển cũng đóng góp không nhỏ vào sản lượng và sự đa dạng, phong phú các mặt hàng thuỷ sản cho thị trường trong và ngoài nước.
Theo đó, tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm của tỉnh khoảng 303.700 tấn, trong đó tôm khoảng 107.040 tấn, sản lượng và diện tích ao nuôi đều tăng so với cùng kỳ, ghi nhận tín hiệu tốt trong nỗ lực quyết tâm phát triển của doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản Cà Mau trong tình hình dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ lan rộng, nhất là tại các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đông công nhân, Phó Chủ tịch Lê Văn Sử cho rằng: Để tổ chức sản xuất an toàn tại các nhà máy, xí nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, các công ty, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn cần chủ động xây dựng phương án sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” là “sản xuất tại chỗ, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ”. Trước mắt, các công ty, doanh nghiệp cần rà soát kỹ điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất tại các khu tập thể, nhà trọ, nhà ở cho công nhân theo hướng dẫn của ngành y tế.
Phía các công ty, doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch, xây dựng phương án “3 tại chỗ” càng sớm càng tốt trên cơ sở phối hợp hướng dẫn của Sở Công thương, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.
Công ty Cổ phần thủy sản Cà Mau (Searimexco) - đơn vị thực hiện thí điểm khẩn trương hoàn thiện phương án, để các ngành chức năng đóng góp ý kiến hoàn chỉnh, đưa vào vận hành thực tế để đánh giá hiệu quả và tính khả thi. Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản CASEP Cà Mau phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ các nhà máy, xí nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để công nhân an tâm làm việc, không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh Covid-19.
Theo khảo sát, hiện giá tôm có sự chênh lệch là do điều kiện thu mua ở các doanh nghiệp khác nhau, giá tôm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kháng sinh, vi chất trong tôm... Hiện tại, giá tôm sú tăng là do hết mùa, riêng giá tôm thẻ giảm do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có nguyên nhân chủ quan là do tâm lý doanh nghiệp, người nuôi tôm lo sợ dịch bệnh, người nuôi thu hoạch nhiều dẫn đến cung vượt cầu. Mặt khác, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, gió mùa tây nam làm cho các yếu tố môi trường thay đổi khiến cho các đầm tôm thu hoạch ngoài dự kiến.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lê Văn Sử đề nghị: Sở công thương cần phối hợp với Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản CASEP Cà Mau, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục rà soát, tìm hiểu kỹ giá thu mua bình quân của công ty, doanh nghiệp tại nhà máy, với giá thu mua đại lý tại đầm nuôi. So sánh đối chiếu, xem xét có hay không dấu hiệu lợi dụng tình hình thời điểm khó khăn để ép giá, trục lợi từ khâu trung gian để kịp thời báo cáo tham mưu đề xuất chấn chỉnh (nếu có). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương phối hợp cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi tôm cần bình tĩnh, chỉ nên thu hoạch khi tôm đã đến lứa, tránh tình trạng ồ ạt thu hoạch đồng loạt sẽ gây tác động xấu đến thị trường.
Song song đó, UBND tỉnh Cà mau đã có Công văn số 3622/UBND-NNTN về phát triển sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến, tình hình giá tôm trên thị trường, để có những thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, qua đó đưa ra khuyến cáo cần thiết phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, đặc biệt là tình hình cung ứng giống, thức ăn, vật tư phục vụ sản xuất; kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp đảm bảo sản xuất của người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt không để gián đoạn việc vận chuyển vật tư, hàng hoá phục vụ sản xuất.
Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chủ động nắm thông tin, dự báo, theo dõi sát tình hình và diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa trên thị trường, đặc biệt giá cả các mặt hàng thiết yếu, qua đó, tăng cường công tác phối hợp trong lưu thông, phân phối hàng hóa không để xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ; kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ giá cả thị trường và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp hành vi vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa, buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa để tăng giá bán bất hợp lý, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!