Luật pháp cho phép các công ty sắp phá sản có một thời gian nhất định để tái cơ cấu, một số ít doanh nghiệp có thể được vực dậy ngay trong thời gian này. Nhưng có thể cổ phiếu của công ty sắp phá sản vẫn bị định giá cao một cách phi lý. NĐT vẫn mắc sai lầm phổ biến khi lấy giá trị sổ sách cổ phiếu làm tham chiếu so sánh với thị giá. Trong khi nếu công ty phá sản, máy móc thiết bị được bán theo giá trị sổ sách hay bị đem thanh lý với giá sắt vụn? Vì rất nhiều lý do và các khoản nợ chồng chất có thể là một trong những nguyên nhân khiến các công ty sắp phá sản có thể bị ra tòa. Khi đó, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu thường là những người đứng dưới cùng danh sách phân chia tài sản, sau ngân hàng, chủ sở hữu trái phiếu, chủ nợ, cổ đông nắm cổ phiếu ưu đãi.
Xét trường hợp phá sản của Tập đoàn năng lượng Enron (Mỹ) như một ví dụ tiêu biểu. Năm 2000, Enron là công ty có giá trị thị trường lên tới 77 tỷ USD, đứng thứ 7 tại Mỹ. Enron lớn đến mức không ai có thể nghĩ Tập đoàn có thể phá sản. Ngày 15/8/2001, đã có tin đồn về sự sụp đổ, giá một cổ phiếu Enron khi đó là 60 USD. Giới phân tích vẫn đánh giá cao Enron, thậm chí Goldman Sachs & Co còn đưa ra một bản báo cáo trong đó có đoạn: "Các cổ đông hay nghĩ rằng ở đâu có khói ở đó ắt có lửa, nhưng chúng tôi tin rằng không có lửa tại Enron". Còn theo Bloomberg, vào tháng 10/2001, vẫn có 6 chuyên gia phân tích nổi tiếng của Phố Wall khuyến nghị mua vào cổ phiếu Enron. Tuy nhiên đến ngày 2/12/2001, Enron phải nộp đơn xin phá sản, giá cổ phiếu tụt xuống còn 67 xu nhưng vẫn… "đắt": các cổ đông giữ cổ phiếu thường của Enron không nhận được bất cứ khoản bồi hoàn nào khi Tập đoàn phá sản!
Nhưng không thể bỏ qua...
Trên thế giới đã có những "ông vua" chuyên mua - bán các công ty sắp phá sản. Wilbur Ross, người đã và vẫn đang kiếm lời hàng tỷ USD lợi nhuận từ các công ty yếu kém là một người như vậy. Công thức kinh doanh của Wilbur Ross nghe có vẻ rất đơn giản. Ông mua lại toàn bộ hoặc đa số cổ phần của một công ty đổ bể, thua lỗ, đang ở trên bờ vực phá sản và dĩ nhiên, với cái giá rất rẻ. Điều này không phải ai cũng dám làm vì ít người dám bỏ tiền ra mua một công ty với cả một núi nợ nần. Sau đó, Wilbur Ross tìm cách sáp nhập công ty này với một công ty bé hơn nhiều nhưng lành mạnh để thành lập một doanh nghiệp mới có thị phần của công ty phá sản. Khi đã tái cơ cấu và lành mạnh hóa hoạt động của công ty, Wilbur Ross mới bán lại cho đối tác. Những cái tên lừng danh đã có bàn tay của Wilbur Ross: Transworld và Pan Am (hàng không); Mexican Bank và Banca di Napoli (ngân hàng); Bethlehem Steel và Acme Steel (thép)...
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phương thức của Wilbur Ross khiến nhiều NĐT cá nhân khó lòng bắt chước. Nhưng Joel Greenblatt, người sáng lập Quỹ đầu tư Gotham Capital, quỹ đầu tư với lợi nhuận lên đến 52 USD/mỗi USD đầu tư đã có các chỉ dẫn cụ thể cho NĐT cá nhân:
Thứ nhất, không phải mọi cổ phiếu của các công ty sắp phá sản đều đáng đưa vào tầm ngắm. Chỉ nên tập trung nghiên cứu công ty vướng phải những vấn đề ngắn hạn, có khả năng vỡ nợ nên dẫn đến phá sản: đó là các công ty lợi nhuận tăng không nhanh như dự tính ban đầu nên không đủ khả năng trả nợ; công ty vướng phải những vụ kiện mang tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt với các doanh nghiệp có dòng sản phẩm độc nhất. Theo Joel Greenblatt, hầu hết công ty dạng này sau khi tái cơ cấu có thể thoát khỏi phá sản bằng cách bán đi những dòng sản phẩm không sinh lợi, đặt tương lai của mình vào một hoặc hai sản phẩm khả quan nhất. Vì vậy, NĐT nên tập trung vào các công ty có phương thức kinh doanh tốt, có vị trí trên thương trường, sở hữu nhãn hiệu hoặc quyền kinh doanh nổi tiếng...
Thứ hai, không nên đầu tư theo cảm tính vào cổ phiếu của các công ty sắp phá sản với hy vọng tình hình sẽ tốt đẹp nhanh chóng. Theo Joel Greenblatt, trước hết nên ưu tiên cho trái phiếu của các công ty đang sắp phá sản. Các loại trái phiếu này đôi khi được bán với giá 20 - 30% mệnh giá. Sau đó là đến các khoản nợ ngân hàng được chuyển nhượng với giá rất thấp khi công ty sắp đổ vỡ. Cuối cùng mới nghĩ đến cổ phiếu thường.
Thứ ba, đâu là thời điểm thích hợp để bắt đầu? Thông thường luôn có một hồ sơ công khai vạch ra quá trình phá sản một công ty. Trên góc độ một NĐT cá nhân, hoàn toàn có thể đợi chờ quá trình tái cơ cấu đạt được hiệu quả bước đầu. Hay ít nhất, tại một thời điểm nào đó trong quá trình phá sản, ít nhất các vấn đề khó khăn có vẻ được giải quyết. Thời điểm các công ty sắp phá sản sắp được vực dậy thì sẽ xuất hiện một cơ hội đầu tư mới an toàn.