Bước tiếp con đường cải cách

Để tái thiết nền kinh tế thời hậu dịch, Việt Nam phải tiếp tục cải cách.
Đẩy nhanh số hóa nền kinh tế là một trong những giải pháp để đẩy nhanh công cuộc tái thiết kinh tế. Trong ảnh: Các chuyên gia của VNPT kiểm tra chất lượng mạng Vinaphone 5 G đang được thử nghiệm. Ảnh: Đ.T Đẩy nhanh số hóa nền kinh tế là một trong những giải pháp để đẩy nhanh công cuộc tái thiết kinh tế. Trong ảnh: Các chuyên gia của VNPT kiểm tra chất lượng mạng Vinaphone 5 G đang được thử nghiệm. Ảnh: Đ.T

Chủ động tương lai bằng các kịch bản phục hồi kinh tế

Dù cần có thời gian để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và nghiên cứu một cách thận trọng, nhưng những phác thảo ban đầu về kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi xin ý kiến các bên liên quan.

Thông tin chi tiết không được tiết lộ, song nhiều khả năng, kịch bản này sẽ phân định rõ những việc Việt Nam cần chuẩn bị và cần làm tiếp theo theo ba giai đoạn khác nhau: trong thời điểm xảy ra dịch, chuẩn bị kết thúc dịch và khi dịch đã đi qua.

Theo đó, ngay trong thời điểm xảy ra dịch, thì Việt Nam đã phải hình thành sớm các kịch bản vực dậy nền kinh tế trước khi dịch kết thúc, để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động trở lại bình thường, không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát, cụ thể hóa đến từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương.

Đây cũng chính là điều đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hồi trung tuần tháng 4/2020.  Ngay sau đó, đánh giá cao đề xuất này của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành kịch bản, trình Chính phủ xem xét.

Trong giai đoạn này, các giải pháp được thực hiện phần nhiều sẽ là các biện pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công để duy trì được các hoạt động kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, để làm tăng khả năng “bình phục” và nhanh “bứt phá” khi đại dịch qua đi.

Điểm nhấn sẽ nằm ở giai đoạn chuẩn bị kết thúc dịch và khi dịch đi qua, bởi đây là thời điểm chuẩn bị cho các bước đi dài hơi hơn, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển về sau. Đây cũng là thời điểm mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần chuẩn bị các phương án huy động nguồn lực cho phát triển đất nước sau đại dịch, như một chương trình “tái thiết đất nước”. Các dự án quan trọng quốc gia, bao gồm các dự án năng lượng lớn của quốc gia, theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của giai đoạn sau.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Sau dịch, nói như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thế giới sẽ thay đổi rất nhanh chóng, sâu sắc và mạnh mẽ, cấu trúc kinh tế mới sẽ hình thành, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được sắp xếp lại, thậm chí nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện… Do đó, cần có ngay những nghiên cứu về xu hướng của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam để đưa ra điều chỉnh phù hợp. Chương trình tái cơ cấu kinh tế, theo đó, cũng cần điều chỉnh cho phù hợp và đẩy tiến độ nhanh hơn để theo kịp với sự thay đổi của thế giới.

Song song với các giải pháp trung và dài hạn, sẽ tiếp tục đầu tư các dự án lớn, quan trọng và để làm được điều đó, cần đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, triển khai, bao gồm cả phê duyệt các điều chỉnh về cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, phê duyệt và điều chỉnh các dự án lớn quan trọng của cả tư nhân và nhà nước… Các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ và tạo điều kiện như một liều thuốc “tăng lực” sau một thời gian “ốm yếu” vì đại dịch. Các gói kích đầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng cũng có thể được tính tới.

Một chương trình tổng thể để hồi phục nền kinh tế như vậy đang được lên kế hoạch, để Việt Nam có thể chủ động quyết định tương lai của mình.

Bước tiếp con đường cải cách

Có một câu hỏi đã luôn được đặt ra trong thời gian gần đây, đó là Việt Nam sẽ phải làm thế nào để tái thiết kinh tế sau đại dịch?

Kịch bản đang được xây dựng và có thể sẽ sớm được thông qua, với nhiều giải pháp tổng thể, nhưng làm thế nào để thực hiện được kịch bản đó lại là một câu hỏi không dễ trả lời.

“Cần phải bước tiếp con đường cải cách”. Đó là một câu trả lời khá thống nhất từ các chuyên gia kinh tế. Tưởng rằng, đó chỉ là câu trả lời chung chung, nhưng lại rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Chỉ nói riêng vấn đề thúc đẩy đầu tư công, cũng lắm tâm tư và cũng nhiều điều cần phải cải cách. Chính phủ đã thống nhất trong năm 2020 cần giải ngân hết số vốn đầu tư khoảng 700.000 tỷ đồng và cũng đã xác định sẵn sàng chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án quan trọng từ PPP sang đầu tư công, tức là chấp nhận trong trạng thái không bình thường thì áp dụng các biện pháp khác thường. Đây được coi là giải pháp trong tầm tay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế, số vốn đầu tư công giải ngân cho tới thời điểm này mới đạt 18% kế hoạch, còn khá thấp.

“Tôi luôn muốn đẩy mạnh đầu tư công để quy mô GDP lớn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy. Nhưng có một thực tế là, đầu tư công lâu nay luôn bị nhìn nhận theo hướng… xấu xí. Khi các quyết định đầu tư được đưa ra, khi Chính phủ muốn vay thêm tiền để đầu tư, luôn có nỗi lo về việc đầu tư lớn thì sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Trong khi thực tế, ở một nền kinh tế như Việt Nam, không đầu tư không lấy đâu ra phát triển, cũng không có việc làm và nguồn thu.

“Nếu cứ khăng khăng lo trần nợ công, không đầu tư thì chúng ta không phát triển được. Đừng lúc nào cũng chỉ lo trần nợ công 65%”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nhận định.

Một cách khá rõ ràng, trong thời điểm kinh tế đang suy giảm, cần tung tiền ra đầu tư và chấp nhận điều chỉnh trần nợ công và thậm chí cả bội chi ngân sách. Khi kinh tế phát triển trở lại, Nhà nước có thể thu lại dần chi tiêu công, giảm bớt nợ công.

“Tăng đầu tư để tăng quy mô nền kinh tế cũng là cách để nợ công sẽ thấp đi”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì nói rằng, cần tiếp tục cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, trao quyền tự chủ kinh doanh cho họ, thì mới “bật” lên được. Còn như hiện nay, khu vực này dù nắm giữ tài sản lớn của Nhà nước, nhưng hoạt động kinh doanh lại đang bị ràng buộc và bị “bó gối” bởi hàng loạt cơ chế, không được tự chủ kinh doanh.

Chuyên gia Võ Đại Lược lại nhấn mạnh chuyện cần có một chương trình tái cơ cấu kinh tế mới, bởi cái cũ đã “lạc hậu” rồi. Và rằng, phải quyết liệt hơn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực nào không cần thiết thì có thể “bán” cho tư nhân, để khu vực tư nhân lấy đó làm động lực phát triển.

“Các bạn cũng có thể đẩy nhanh số hóa nền kinh tế, mở rộng dịch vụ tài chính bằng công nghệ số, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục bằng công nghệ số. Và ngay cả với các chương trình đầu tư công, cũng có thể số hóa một số thủ tục. Các thủ tục đầu tư hiện rườm rà quá, phải tinh giản”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam “hiến kế”.

Rất nhiều chuyên gia, cả trong và ngoài nước đều sẵn sàng hiến kế như vậy để Việt Nam có thể bước tiếp con đường cải cách, nhằm vực dậy và tái thiết nền kinh tế sau đại dịch nhanh hơn.

Song có một điều cũng đã được ông Ousmane Dione nói, rất đáng lưu tâm. Đó là trí nhớ của con người rất ngắn hạn. Khi chúng ta đang chịu tác động của dịch bệnh và cố tìm ra các giải pháp, nhưng rồi khi bệnh dịch qua đi, chúng ta sẽ “quên” mất những điều đã nói, những giải pháp đã chỉ ra ngày hôm nay và rồi rất có thể, một cuộc khủng hoảng mới lại xảy đến.

“Phải tận dụng cơ hội để làm được những điều mà chúng ta đang nói”, ông Ousmane Dione nói.

Điều đó càng chứng minh một điều rằng, Việt Nam cần phải quyết liệt, triệt để và bước tiếp con đường cải cách của mình.

Ý kiến – Nhận định

Không thể duy trì thêm những hệ tư duy, cách làm cũ

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Sau đại dịch Covid-19, phục hồi nhanh và bền vững nền kinh tế sẽ là ưu tiên số một. Nhưng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của đất nước.

Như vậy, lúc này, chúng ta không chỉ phải khắc phục triệt để các yếu kém nội tại đã được nói đến nhiều của nền kinh tế, mà còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề mới phát sinh do những thay đổi từ bên ngoài do dịch bệnh gây ra.

Sẽ có nhiều việc phải làm, nhưng điều chắc chắn là nền kinh tế Việt Nam đã bước sang một trạng thái mới, theo nghĩa không thể duy trì thêm những hệ tư duy, cách làm cũ vốn đang là nguyên nhân của hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, năng lực cạnh tranh thấp, khu vực kinh tế tư nhân yếu về tài chính, năng lực quản trị, khu vực doanh nghiệp nhà nước kém năng động…

Cần có Bộ Tình huống khẩn cấp

- TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Việt Nam đang đối mặt với nhiều tình huống khẩn cấp, như xói lở, ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu... Tới đây có thể còn nhiều nữa do Việt Nam ở vùng có nhiều thiên tai, tần số, phạm vi rộng, cần phải lường trước các vấn đề, chủ động ứng phó trên tầm quốc gia, nên cần tính tới việc thành lập Bộ Tình huống khẩn cấp. Nhiều quốc gia đã có bộ này.

Với các phương án thúc đẩy đầu tư công đang được đưa ra, tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông, đường sá, sân bay. Đây cũng nên là thời điểm thúc đẩy thay đổi cấu trúc ngành theo các kịch bản phát triển kinh tế phù hợp với giai đoạn mới. Bởi vậy, khoản 700.000 tỷ đồng dành cho đầu tư công phân bổ trong năm nay có thể cần phải dành ưu tiên cho cả hạ tầng thông tin, hạ tầng số để thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng.

Chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng ngay công nghệ vào việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân để giám sát đối tượng thực thi...

Tương tự, tư duy về nguồn nhân lực, về lao động cũng phải thay đổi, để không lặp lại tình trạng vì gia công mà khi có dịch bệnh, đứt chuỗi, người lao động ngay lập tức mất việc...

Còn dư địa cho các giải pháp kích thích kinh tế

- TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Trong điều kiện hạn chế nguồn lực, các kịch bản khôi phục kinh tế sẽ buộc phải lựa chọn các bước đi cẩn trọng và phù hợp.

Hiện các giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện, thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, giãn, hoãn thời gian nộp thuế… là để doanh nghiệp cầm cự, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các nền tảng để phục hồi sau dịch.

Như vậy, Chính phủ vẫn chưa sử dụng quá nhiều nguồn lực, còn dư địa cho chính sách giai đoạn tiếp theo, nhất là các giải pháp đang được tính đến để kích thích kinh tế như miễn, giảm thuế, nhiều khoản phải đóng của doanh nghiệp… Dư địa này bao gồm cả việc tính đến có thể tăng trần nợ công, sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, thậm chí có thể có các khoản vay tổ chức quốc tế… nếu cần thiết.

Khánh An thực hiện.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục