Với việc liên thông 4 loại thủ tục cơ bản theo trình tự thủ tục rút gọn, nghị định được ban hành sẽ giúp giảm đáng kể thời gian cho việc khởi sự kinh doanh, gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Theo phương án xây dựng tại dự thảo nghị định, cơ bản sẽ có 3 quy trình phối hợp liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước theo tinh thần rút gọn, đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục không cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quản lý nhà nước trong thực hiện 4 loại thủ tục khởi sự kinh doanh.
Cụ thể, với cơ quan quản lý lao động, Tổ soạn thảo đề xuất chỉ yêu cầu doanh nghiệp kê khai số lao động dự kiến sử dụng tại thời điểm thành lập doanh nghiệp và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý về lao động để truyền thông tin cơ bản của doanh nghiệp và số lượng lao động (dự kiến) của doanh nghiệp.
Sau khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông tin điện tử về đăng ký doanh nghiệp và tổng số lao động dự kiến tại thời điểm thành lập của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý lao động để phục vụ quản lý nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng quy định về việc cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động để trao đổi thông tin về số lượng lao động của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Cơ chế tương tự áp dụng với các thủ tục về bảo hiểm xã hội, gồm thủ tục cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội và kê khai kỳ đóng bảo hiểm.
Cùng với cơ chế trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan bảo hiểm xã hội, Tổ soạn thảo đề xuất sử dụng mã số doanh nghiệp làm mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội.
Nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, sẽ tích hợp nội dung tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thông tin điện tử về đăng ký doanh nghiệp sẽ được gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Với thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, Tổ soạn thảo đề xuất tích hợp nội dung đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in/tự in vào quy trình đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thông tin đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh gửi sang cơ quan thuế. Trước khi sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo phát hành hóa đơn/mua hóa đơn tại cơ quan thuế theo quy định hiện hành.
Theo nhận định của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, việc liên thông sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính mà doanh nghiệp cần thực hiện như thủ tục khai trình sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in một cách riêng lẻ, đồng thời giảm khối lượng thông tin doanh nghiệp phải kê khai.
“Ví dụ như việc tích hợp các thông tin về tổng số lao động (dự kiến) tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, phương thức nộp bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in vào giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm đáng kể khối lượng thông tin, biểu mẫu phải kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, thay vì nộp hồ sơ tại 4 cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý về lao động, cơ quan quản lý về bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế.
Trong khi đó, với cơ quan quản lý nhà nước vẫn đảm bảo được mục tiêu quản lý của từng ngành nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính”, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dẫn giải.
Theo đánh giá tại Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2020 của Ngân hàng Thế giới, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 thủ tục, với tổng thời gian thực hiện là 16 ngày.
Trong đó, riêng số ngày thực hiện 4 thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm, đề nghị tự in hóa đơn và mua hóa đơn chiếm tới 14 ngày.
Với việc tích hợp như đề xuất tại dự thảo nghị định, dự kiến có thể rút ngắn thời gian thực hiện cả 4 thủ tục này từ 14 ngày xuống còn 5 ngày, đưa tổng thời gian khởi sự kinh doanh ở Việt Nam từ 16 ngày xuống còn 7 ngày, tức là rút gắn thời gian gần 2,5 lần so với hiện nay. Điều này sẽ giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.