Bước tiến minh bạch của các doanh nghiệp trên sàn HNX

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2023 - 2024 của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên UPCoM cho thấy, hầu hết các công ty được đánh giá đều có sự tăng trưởng về điểm số minh bạch, ghi nhận một bước tiến trong thực thi nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định pháp lý và các thông lệ tốt được khuyến nghị.
HNX vinh danh các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên UPCoM thực hiện tốt công bố thông tin và minh bạch HNX vinh danh các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên UPCoM thực hiện tốt công bố thông tin và minh bạch

Bức tranh chung về doanh nghiệp trên sàn HNX

Tại Hội nghị Doanh nghiệp thường niên 2024 vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức, ông Đỗ Văn Tâm, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để phát triển thị trường chứng khoán minh bạch và bền vững. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thị trường nhằm phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, kịp thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý, nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch của thị trường. Với sự hợp sức của nhiều chủ thể và ý thức tuân thủ tốt hơn nghĩa vụ về công bố thông tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư, thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch hơn, làm cơ sở để có những bước phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Tại HNX, thị trường niêm yết hiện có 312 mã cổ phiếu, với tổng giá trị vốn hóa đạt 319.000 tỷ đồng và 71 mã trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị niêm yết tính theo mệnh giá đạt 89.000 tỷ đồng; thị trường UPCoM có 881 doanh nghiệp đại chúng đăng ký giao dịch, với tổng giá trị vốn hóa đạt 1.465.000 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2024, tại HNX có 39 doanh nghiệp niêm yết và 44 doanh nghiệp đăng ký giao dịch đã phát hành thành công 9.400 tỷ đồng cổ phiếu theo mệnh giá. Trong đó, hơn 50% số phát hành là để trả cổ tức, hoặc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Về kết quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, theo thống kê của HNX, trong số các doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2024, hơn 84% số doanh nghiệp có lãi, với tổng lãi đạt hơn 12.700 tỷ đồng, tương đương 66% tổng lãi của cả năm 2023.

Đối với khối doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, trong số các công ty đại chúng quy mô lớn đã công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, 77% doanh nghiệp có lãi, với tổng lãi đạt 38.400 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tốt, tỷ lệ trả cổ tức/giá trị sổ sách cao. Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp rất khó khăn về tài chính và có vấn đề về khả năng hoạt động liên tục. Số doanh nghiệp bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch trên thị trường niêm yết và đăng ký giao dịch trong 2 năm gần đây có xu hướng tăng so với năm 2022. Các lý do chính khiến cổ phiếu bị đưa vào các diện theo dõi là doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm, doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên.

Về việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của các doanh nghiệp, theo lãnh đạo HNX, năm nay, có sự cải thiện so với các năm trước. Số vụ vi phạm về công bố thông tin giao dịch cổ phiếu quỹ, chào mua công khai và giao dịch của người nội bộ, người có liên quan cũng giảm mạnh. Đây là kết quả của việc tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý, xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán cũng như sự tuân thủ tốt hơn của doanh nghiệp và người nội bộ, người có liên quan.

Tuy nhiên, lãnh đạo HNX cũng cho biết, số lượng vi phạm công bố thông tin định kỳ còn cao và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp có tình hình tài chính khó khăn, thua lỗ kéo dài. Ngoài ra, tình trạng vi phạm quy định về thời hạn họp đại hội đồng cổ đông thường niên vẫn xảy ra, nhất là tại các doanh nghiệp trên sàn UPCoM. Đây là điểm các doanh nghiệp cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

Từ ngày 1/1/2025, các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng quy mô lớn sẽ phải thực hiện công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh theo quy định của Thông tư 68/2024/TT-BTC. Theo đó, các doanh nghiệp cần lưu ý để có phương án triển khai phù hợp, đúng quy định pháp lý Bộ Tài chính đã ban hành.

Bước tiến trong thực thi công bố thông tin và minh bạch

Báo cáo đánh giá chất lượng công bố thông tin minh bạch năm 2023 - 2024 của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên UPCoM cho thấy, điểm trung bình đạt 54,74 điểm. Con số này tăng 10,98 điểm so với trung bình kết quả đánh giá năm 2022 - 2023 (43,76 điểm). Hầu hết các công ty đều có sự tăng trưởng về điểm số minh bạch. Công bố thông tin và minh bạch đang được duy trì ở mức tốt và có sự cải thiện ở một số nội dung.

Kết quả đánh giá về công bố thông tin và minh bạch theo quy mô vốn năm 2024 cho thấy, các công ty quy mô vốn lớn có điểm cao hơn. Cụ thể, doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên và vốn hóa từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng có điểm công bố thông tin và minh bạch cao hơn so với nhóm công ty còn lại. Các doanh nghiệp có mức sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý có xu hướng tuân thủ về công bố thông tin và minh bạch tốt hơn.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, khoảng 44,2% doanh nghiệp đã công bố thông tin về các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành trong báo cáo thường niên. 95% số lượng doanh nghiệp công bố tình hình tài chính và các chỉ tiêu tài chính chủ yếu của năm tài chính 2023; 60,6% số doanh nghiệp công bố đầy đủ định hướng phát triển trong các năm tới…

Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2024 lựa chọn 308 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn đang đăng ký giao dịch trên UPCoM; trong đó, có 32 công ty lần đầu được tham gia đánh giá. Bộ tiêu chí năm 2023 - 2024 có cơ cấu tương tự như năm trước, gồm 72 tiêu chí, trong đó 60 tiêu chí tuân thủ và 12 tiêu chí thông lệ. Các tiêu chí được xây dựng dựa trên các quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 155/NĐ-CP, Thông tư số 96/TT-BTC, Thông tư số 116/TT-BTC và các thông lệ về công bố thông tin và minh bạch được lựa chọn từ Dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS).

Đơn vị chấm điểm công bố thông tin minh bạch cũng cho biết, chương trình nhằm hướng dẫn và thúc đẩy các doanh nghiệp nỗ lực đáp ứng các tiêu chí về công bố thông tin và minh bạch, giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn sức khỏe doanh nghiệp. Kết quả đánh giá của chương trình đã cho thấy sự tiến bộ rõ nét của các doanh nghiệp trên sàn HNX trong việc tuân thủ và thực hiện tốt nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Cơ quan quản lý thị trường đã và đang tích cực đưa ra nhiều đề xuất chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động công bố thông tin, quản trị công ty của các doanh nghiệp đại chúng. Trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC. Theo đó, đưa ra lộ trình để các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công bố thông tin và nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán và mong muốn của các nhà đầu tư quốc tế.

Các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch cần nhận thức rằng, công bố thông tin và minh bạch, thực hành quản trị công ty tốt không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà điều này đồng thời mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và hình ảnh trên thị trường, đem lại cơ hội để gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục