Bước tiến lớn trên con đường nâng cao chất lượng báo cáo tài chính

(ĐTCK) Việc ban hành lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là một bước tiến lớn của Việt Nam trên con đường hướng tới mục tiêu hoàn thiện chất lượng báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Bước tiến lớn trên con đường nâng cao chất lượng báo cáo tài chính

Lộ trình áp dụng IFRS đã được phê duyệt

Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã chính thức phê duyệt đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam tại Quyết định 345/QĐ-BTC sau gần 1 năm dự thảo đề án được công bố và nhiều cuộc hội thảo ở các cấp độ khác nhau.

Có thể nói, việc ban hành lộ trình áp dụng IFRS là một bước tiến lớn của Việt Nam trên con đường hướng tới mục tiêu hoàn thiện chất lượng báo cáo tài chính tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Về cơ bản, Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam được Bộ Tài chính ban hành giống với dự thảo được công bố trước đó. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt đáng chú ý giữa bản dự thảo và bản phê duyệt đề án.

Ông Trần Hồng Kiên, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán và tư vấn kế toán, PwC Việt Nam.

Thứ nhất, bản đề án được phê duyệt có cách tiếp cận tổng quan hơn với tên gọi “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”, thay vì tên gọi cũ là “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam”.

Theo đó, đề án sẽ có hiệu lực với tất các các doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp thuộc nhóm vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Các doanh nghiệp thuộc đối tượng của đề án sẽ có lựa chọn hoặc lộ trình áp dụng khác nhau, đó là nhóm doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc hoặc tự nguyện áp dụng IFRS và nhóm doanh nghiệp còn lại bắt buộc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS).

Thứ hai, nếu như dự thảo đề án quy định khi doanh nghiệp bắt buộc hoặc tự nguyện lập báo cáo tài chính theo IFRS thì sẽ được miễn lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), thì trong đề án đã phê duyệt, quy định này không còn được đề cập rõ.

Điều này có thể dẫn đến các băn khoăn liệu doanh nghiệp có phải vừa lập báo cáo tài chính theo IFRS, vừa phải lập theo VAS/VFRS hay không. Đây có lẽ sẽ là vấn đề Bộ Tài chính cần có hướng dẫn bổ sung trong thời gian tới.

Thứ ba, đề án được phê duyệt duy trì cách thức tiếp cận việc áp dụng IFRS có tính bắt buộc đối với báo cáo tài chính hợp nhất cho một số đối tượng cụ thể, nhưng có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với báo cáo tài chính riêng theo IFRS cho giai đoạn sau năm 2025.

Cụ thể, nếu như bản dự thảo đề án mở rộng đối tượng được lập báo cáo tài chính riêng theo IFRS là các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện hoặc được Bộ Tài chính lựa chọn, thì bản phê duyệt đề án chỉ dừng ở việc sẽ xem xét việc áp dụng tự nguyện báo cáo tài chính riêng theo IFRS dựa theo kết quả thực hiện của giai đoạn 1 (2022-2025). 

Thứ tư, đề án được phê duyệt đã tách nhóm ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác sẽ thực hiện theo đề án riêng do Ngân hàng Nhà nước công bố. Đây là cách tiếp cận phù hợp vì việc áp dụng IFRS cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ phức tạp hơn do liên quan đến chuẩn mực IFRS 9 - Công cụ tài chính.

IFRS sẽ góp phần thay đổi doanh nghiệp về chất

Bên cạnh việc cho phép một nhóm đối tượng áp dụng IFRS, các doanh nghiệp còn lại sẽ phải áp dụng VFRS. Tiêu chuẩn này dự kiến được nghiên cứu và ban hành trước tháng 11/2024 theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, nhưng với các chỉnh sửa phù hợp với đặc thù nền kinh tế Việt Nam, theo nhu cầu của doanh nghiệp và tính khả thi khi áp dụng.

Cho dù doanh nghiệp thuộc nhóm áp dụng bắt buộc hay tự nguyện theo IFRS (từ sau năm 2025) hoặc bắt buộc áp dụng VFRS (từ năm 2025) thì báo cáo tài chính của các doanh nghiệp dự kiến sẽ có sự thay đổi vượt bậc so với các báo cáo tài chính đang được lập theo VAS.

Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có tiếng nói lớn hơn về việc trình bày các giao dịch kinh tế của mình trên báo cáo tài chính theo bản chất của giao dịch, thay vì cách tiếp cận của VAS hiện tại theo hướng ghi nhận kế toán theo hướng dẫn chi tiết cụ thể.

Khi các doanh nghiệp lập báo cáo tài chính theo IFRS, đề án yêu cầu phải áp dụng tất cả các IFRS đã có hiệu lực theo quy định của Ủy ban Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IASB) tại cùng một thời điểm, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung hoặc các thay thế IFRS.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp lập IFRS phải thường xuyên cập nhật và đánh giá tác động của các sửa đổi, bổ sung và thay thế và tác động hiện hữu cũng như tiềm năng của các thay đổi này đối với các giao dịch tài chính của doanh nghiệp, dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn về cách thức tiếp cận của doanh nghiệp đối với công tác lập báo cáo tài chính.

Đây không còn là công việc của riêng bộ phận kế toán, mà là sự điều phối nhịp nhàng về quy trình, về việc ra quyết định của hầu hết các bộ phận của doanh nghiệp như nhân sự, tài chính, kế hoạch, kinh doanh, công nghệ thông tin, thuế, quản trị rủi ro...

Một ví dụ thường được dẫn chiếu về tác động của IFRS đối với hoạt động của doanh nghiệp là việc các ngân hàng thực hiện giảm các khoản cho vay dài hạn khi áp dụng IFRS 9 - Công cụ tài chính nhằm quản trị chi phí tổn thất kỳ vọng từ các khoản cho vay cần ghi nhận.

Trần Hồng Kiên, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán và tư vấn kế toán, PwC Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục