Bước tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng và thặng dư thương mại đạt kỷ lục trong năm 2020 là bước tạo đà, tạo lực cho hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.
Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa như Mỹ, EU... Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa như Mỹ, EU...

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, nhưng Việt Nam vẫn có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng và thặng dư thương mại đạt kỷ lục.

Bộ Công Thương khẳng định, kết quả này chính là bước tạo đà, tạo lực bứt phá cho hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.

Thay đổi ơ cấu hàng xuất khẩu

Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.

"Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp", Bộ Công Thương nhận định.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2020 có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA.

Xuất siêu vào nhiều thị trường

Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD).

Riêng đối với thị trường EU, cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU 34,94 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây việc kiểm soát nhập khẩu được thực hiện tốt. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong nước. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 89%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm dưới 6,27%.

Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư trong toàn bộ thời kỳ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản hàng hóa cho người nông dân.

Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp gần 3 lần năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Năm 2021, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng; trong đó lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch Covid-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục