“Bước ra một bước một dừng”

Những giằng co quyết liệt giữa cũ và mới của tiến trình Đổi mới từ sau Đại hội VI.
“Bước ra một bước một dừng”

“Một bước một dừng…”

Ai vậy, ai đang bước? Nàng Kiều của cụ Nguyễn Du đấy. Đây là cao trào trong bi kịch Thúy Kiều tại nhà Hoạn Thư. “Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa, Phải rằng nắng quáng đèn lòa, Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh... Thế là “Bây giờ tình mới rõ tình, Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai”.

Thế nhưng ta, bước ra khỏi một thời dại dột “lấy lòng mong muốn thay cho thực tế. bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn... quay lưng lại với biết bao sự thật hằng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả” như ông Phạm Văn Đồng đã viết, vậy là để “... cho khỏi lụy trong vòng bước ra” thì căn cớ gì mà cũng một bước một dừng, tệ hơn thế, “bước đi một bước giây giây lại dừng”. Mà dừng lâu, là cớ làm sao?

“Bước ra” khỏi thời kỳ kế hoạch tập trung bao cấp duy ý chí từ Đại hội VI, bước đột phá của Đổi mới, đưa đất nước vượt qua hiểm nghèo bên miệng vực sụp đổ, để đi tới trong thanh thiên bạch nhật chứ đâu phải nắng quáng đèn lòa mà một bước một dừng. Nói dại miệng, hay là có cái bóng ma Đạm Tiên nào đó ám ảnh vì bóng ma đó đón đường, chẳng những thế lại “...đã có lòng chờ, Mất công mười mấy năm thừa ở đây”. Cái bóng ma “lững thững như gần như xa” xem ra có thật chứ chả chơi.

Nếu cứ với tinh thần của Đại hội VI, dám nhìn thẳng vào sự thật mà dấn bước thì chắc rằng, thành tựu đạt được sau 30 năm không chỉ thế này. Chỉ chút xíu dám nhìn thẳng vào sự thật thôi cũng đã gợi lên trong tâm tư của những người nặng lòng với vận mệnh đất nước bao câu hỏi và những câu trả lời, cho dù buốt nhói trong tim, cũng phải rõ ra: “Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ‘ôsin’. Nghe mà xót lòng” [Tuổi trẻ. 21.8.2014]. Người nói lên sự thật “xót lòng” này là một người đang giữ trọng trách trong công tác tư tưởng của Đảng, chứ không phải người viết bài này.

Tuy lịch sử không có chuyện “nếu”, nhưng người thẩm định những sự kiện lịch sử có quyền và cần phải chỉ ra những hệ lụy đau đớn mà nếu tránh được những sai lầm thì những chặng đường đã trải có thể diễn ra một cách khác.

Hãy đọc lại những dòng sau đây trong Nghị quyết Đại hội VI ngày 18/12/1986: “Không đánh giá thấp những khó khăn khách quan, Đại hội nghiêm khắc chỉ ra rằng nguyên nhân chủ quan của tình hình trên đây là những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước... Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện”. Để đưa ra được những kết luận động trời như vậy, tác giả của chúng phải vượt qua những cửa ải hiểm nguy ẩn chứa khả năng là “cửa tử”! Nhưng có lẽ điều còn khó hơn thế là vượt qua chính mình.

Không vượt được chính mình chắc chắn sẽ không có quyết định táo bạo của ông  Trường Chinh viết lại báo cáo chính trị Đại hội VI vào phút chót để đọc trước Đại hội. Trần Nhâm, thư ký của ông, cho biết: “Một ngày trước khi mất, ông còn nói với tôi về chuyện Vĩnh Phú. Tôi có hỏi “sao lúc bấy giờ Bác lại làm to chuyện như vậy?”. Ông điềm tĩnh trả lời tôi rằng, có lẽ lúc bấy giờ nhận thức của mình không bắt kịp với tình hình thực tế, hơn nữa vấn đề nghe báo cáo, nắm thông tin không chính xác” [theo Wikipedia]. “Chuyện Vĩnh Phú” nói đây là muốn kể về thái độ cứng rắn của ông Trường Chinh đối với ông Kim Ngọc, người đi tiên phong trong Đổi mới với “khoán”, cũng là người từng lăn lộn sống chết một thời gian khổ tiền khởi nghĩa tháng Tám 1945 gần gũi thân thiết với ông Trường Chinh.

Lịch sử đi những bước dích dắc, oái oăm đến nghiệt ngã. Trên Tạp chí Học tập tháng 2/1969, trang 25 vẫn còn đó rành rọt những dòng phê phán tàn nhẫn, nhưng rất phổ biến của một thời: “...việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tự tư tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên... giảm nhẹ vai trò của lao động tập thể xã hội chủ nghĩa, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ... tính chất sai lầm rất nghiêm trọng vì nó không chỉ thuộc về cách làm mà thuộc về lập trường tư tưởng...”. Phải mất 20 năm, lịch sử mới trả lại cho cuộc sống cái động lực đích thực thúc đẩy sự phát triển mà trong những bước ấu trĩ, người ta đã mê đắm vào ảo tưởng để quay lưng lại với những giá trị có thật hàng ngày được những người đổ mồ hôi sôi nước mắt trên luống cày cháy lòng mong ước.

Nhưng để có được điều đó thì đòi hỏi người giữ sứ mệnh đi tiên phong phải có một cái đầu biết độc lập suy nghĩ để nhận ra được những thô thiển, những ngộ nhận, những sai lầm, do đó dám thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với sự vận động của cuộc sống. Ông Nguyễn Thành Tô, người thư ký gắn bó rất lâu với ông Kim Ngọc có kể chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy nói về cách quản lý lao động của địa chủ trước kia:

Không cần đánh kẻng, cũng chẳng cần chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đội trưởng sản xuất, chỉ có vài anh quản lý mà công việc đâu vào đó. Riêng chuyện giữa buổi cày họ cho gánh ra một gánh khoai hoặc sắn cùng nồi chè xanh rất ngon cho thợ cày, thợ cấy ăn thì rõ ràng đây là một tính toán quá giỏi. Cày cấy đang mệt và đói, được mấy củ khoai và bát nước chè vào bụng thì khỏe lại ngay, năng suất lao động tăng lên giống như khi mới bắt đầu làm.

Đồng chí bí thư huyện ủy bảo: Bí thư khen địa chủ không sợ mất lập trường à? Anh Ngọc nói luôn: Cái hay cái tốt làm gì có tính giai cấp. Nếu sợ mất lập trường mà không tiếp thu kiến thức của họ thì suốt đời chỉ sống trong mông muội. 

Không những chịu khó thu nạp kiến thức qua cuộc sống mà thấy điều gì hay là anh Ngọc ứng dụng ngay vào công việc...”.

Trong cuốn “Bí thư Tỉnh ủy”, tiểu thuyết của Văn Thảo đã được dựng phim, có một đoạn đối thoại thú vị giữa người phụ nữ kiên quyết ủng hộ “khoán” của Bí thư Tỉnh ủy với vị lãnh đạo từng phê phán “khoán” trên bài viết vừa dẫn:

- Anh không những thành người xa lạ với riêng tôi mà còn xa lạ cả với mọi người. Thú thật tôi không còn nhận ra anh nữa.

Ông Trung Chính nói một câu gượng gạo :

- Tôi có khác gì đâu, chỉ có già đi thôi.

Bà Thường chua chát :

- Cái già bên ngoài của anh không đáng ngại. Điều đáng ngại là trái tim của anh đang già cỗi và đã biến thành sắt đá mất rồi. Anh có biết ngày còn hoạt động bí mật, anh, anh Việt, anh Dũng ở trong nhà tôi ai là người nuôi các anh ăn, ai làm liên lạc, ai bảo vệ các anh? Ngoài nông dân ra chẳng có ai cả. Không sợ máy chém, không sợ tù tội khổ sai, nuôi nấng bảo vệ các anh để các anh làm cách mạng giải phóng cho họ. Sao bây giờ anh quay ra vô tình, thờ ơ với cuộc sống còn đói nghèo thiếu thốn của họ đến vậy? Sao anh không dám vứt các nguyên tắc đang ràng buộc họ để cho họ được thoải mái làm ăn, để họ còn nuôi con nuôi cái và đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sao vậy anh Trung Chính? Sao vậy? Anh trả lời tôi đi”.

Năm 1988, nghĩa là 20 năm sau sự kiện Kim Ngọc, Nghị quyết 10 về khoán hộ của Bộ Chính trị chính thức được ban hành (dân gọi là khoán 10) vì nghị quyết này hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Thế rồi, trường học được lấy tên Kim Ngọc, con đường đẹp nhất của thị xã Vĩnh Yên mang tên Kim Ngọc, ngày 23/9/2009, Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Kim Ngọc, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đúc tượng đồng cho ông! Những giá trị thật dần dần được xác lập lại. Những bước đi cho dù còn rón rén của chân lý cũng đã chạm được vào cuộc sống lầm than của những người từng lam lũ, nhẫn nại oằn lưng gánh trên vai mình gánh nặng giữ nước và nuôi sống cả nước. Quả là có chuyện “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” trong đoạn kết có hậu của Truyện Kiều Nguyễn Du! Còn trong câu chuyện đầu Xuân của chúng ta hôm nay thì “Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong”. Đấy là lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với bà Liên, vợ ông Kim Ngọc trong dịp bà đến mừng thọ Đại tướng bước vào tuổi 90. 

“Vó câu khấp khểnh…”

Nhưng liệu rồi đã thật sự “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” chưa?

Đổi mới vẫn trên hành trình của “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. Mà có chuyện đó bởi lẽ “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa”. Tôi không cưỡng được phải viện dẫn ra mệnh đề này của Hégel khi bàn về biện chứng của sự phát triển, mặc dầu đã quá nhiều lần phải nhắc đến trong nhiều bài viết và cũng đã rất dị ứng về cung cách tụng niệm “biện chứng”, nhưng vì mệnh đề của Hégel biểu tả một cách quá súc tích những gì đã và đang diễn ra trước mắt. Bằng mệnh đề đó, có thể diễn đạt ngắn gọn và sâu sắc những gì đã và đang đập vào mắt.

Những giằng co giữa cũ và mới của tiến trình Đổi mới từ sau Đại hội VI diễn ra rất quyết liệt. Chỉ bằng việc cho các hộ cá thể, tư nhân nhận khoán đất ruộng, đất vườn và mặt nước để họ tổ chức sản xuất - kinh doanh, đồng thời hé mở dần việc trao quyền thừa kế đất khoán cho con cái và quyền chuyển nhượng cho chủ khác. Nói gọn lại là bước đầu trả lại ruộng đất cho dân để họ làm ăn và trước đó bỏ tệ ngăn sông cấm chợ đã là “một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ”. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị  ra ngày 5/4/1988 thực sự là một bước đột phá có ý nghĩa lớn nhằm “giải phóng sức sản xuất” trong các mối quan hệ về lợi ích tuy vẫn nhấn mạnh “quan trọng nhất là bảo đảm lợi ích người lao động”. Phải chăng ở đây chính là cái trạng thái cũ ấy vẫn đang “được tập quán thần thánh hóa”?

Sự nhấn mạnh này vẫn hàm chứa trong đó cách nghĩ cũ không thấy được rằng, nếu chỉ có người nông dân dốc sức trên luống cày thì lợi ích của họ sẽ vẫn rất bấp bênh và hạn chế. Hãy chỉ nói chuyện đầu ra cho sản phẩm, rồi giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, cải tiến nông cụ và bao chuyện khác nữa, gắn với những cái được gieo trên luống cày nếu “người lao động”, tức là nhà nông, không có mối quan hệ gắn bó với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học cùng với một nhà nước không chỉ biết cai trị họ, thu thuế từ cái hầu bao lép kẹp của họ, huy động sức đóng góp triền miên của họ, mà là người điều hành dịch vụ thúc đẩy sản xuất phát triển để đem lại lợi ích ngày càng nhiều, một nhà nước kiến tạo phát triển.

Để thấy cho rõ những bước “khấp khểnh gập ghềnh” trong “mỗi bước tiến mới”, cũng cần thấy, thật ra thì từ Nghị quyết Trung ương 6, khóa IV, năm 1979, rồi tiếp đó là Chỉ thị 100 ra ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (gọi tắt là khoán 100) tuy còn chung chung, nhưng cũng đã “rón rén” chuyển từ khoán công việc sang khoán sản phẩm, từ khoán đội đến khoán nhóm và người lao động trồng lúa là chủ yếu để bước đầu giải phóng sức sản xuất, nhất là sức lao động của hộ xã viên trong hợp tác xã.

Phải mất 7 năm, từ Chỉ thị 100 của Ban Bí thư bước đầu xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, sản xuất tập thể, vô chủ “cha chung không ai khóc” mới đi đến được đến Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. May mà chỉ bằng một nửa sự ám ảnh của bóng ma Đạm Tiên “đã có lòng chờ, mất công mười mấy năm thừa ở đây” dẫn ra ở trên!

Ấy vậy mà nghĩ lại, những cái gọi là “mới” này, thật ra chỉ là quay trở lại với đạo lý thông thường của cuộc sống bao đời mà do “một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn” như ông Phạm Văn Đồng đã tự phê phán, đẩy cuộc sống của mấy chục triệu nông dân vào khốn cùng.

Cái việc “quay trở lại” đó chính là khoán sản phẩm đến từng hộ gia đình, để họ có quyền về phân phối và tiêu thụ nông sản do mình làm ra, nhằm phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, cho lưu thông tự do, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, xóa bỏ nghĩa vụ thu mua nông sản, nhất là lương thực với giá thấp, “thuận mua vừa bán”, không còn phải bán theo giá nghĩa vụ, tước đoạt thành quả lao động của nông dân. Chỉ mới có thế, cục diện đất nước đã xoay chuyển hẳn: trước “khoán 100”, năm 1980 sản lượng lúa là 11,6 triệu tấn, sau “khoán 100”, tăng lên 17 triệu tấn. Trước “khoán 10”, năm 1988 vẫn còn thiếu đói, sau “khoán 10”, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo.

Thế đấy. Sự oái oăm của những chặng đường lịch sử in dấu ấn trên sự quay trở lại với đạo lý thông thường của cuộc sống vừa kể ra mới xót xa làm sao.

Vì nhiều lý do, lịch sử phải ghi lại những chặng đường oái oăm. Rồi cuối cùng thì chẳng phải ai khác là người nông dân chân lấm tay bùn, hai sương một nắng kia phải trả giá đắt ấy thôi. Nói là ngẫu nhiên, nhưng xét đến cùng thì cái tất nhiên cũng phải thông qua cái ngẫu nhiên mà biểu hiện ra, chứ đâu phải tự trên trời rơi xuống. Thuật ngữ thời thượng hay nói về cái gọi là “cơ chế”!

Đáng sợ là cơ chế khủng khiếp ấy đã ngự trị trong đầu óc của nhiều người, thậm chí đã mọc rễ trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội, trở thành thói quen trong cách tư duy, thành cái mà Hégel gọi là tập quán. Chính cái tập quán đã thần thánh hóa “cái trạng thái cũ đang suy đồi” khiến cho cái đang suy đồi ấy vẫn còn đủ sức thao túng và chi phối những bước đi của đất nước trong một thời đoạn nhất định nào đó. Điều ấy giải thích vì sao thành tựu của bước đầu Đổi mới đã rõ đến vậy, nhưng rồi vẫn “bước ra một bước một dừng”.

Thế mới biết sự giằng co giữa cũ và mới gay gắt đến thế nào, cũng vì thế mới ngộ ra một điều tại sao trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về “cuộc chiến đấu khổng lồ” nhằm chống lại “những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi”.

Xin chỉ gợi ra hết sức vắn tắt sự giằng co ấy qua mấy Đại hội Đảng. Từ Đại hội VI đến Đại hội VII, khi biểu quyết thông qua Cương lĩnh, đã có gần 7% đại biểu không chấp nhận 6 đặc trưng của Cương lĩnh, có khoảng 20% số đại biểu chấp nhận nhưng phải có sửa đổi.  Như vậy là không có tuyệt đại đa số 100% thuận theo Cương lĩnh. Nhưng đến đại hội VIII thì lại càng khẳng định rất cao tính chất của Cương lĩnh. Đến đại hội IX bắt đầu có điều chỉnh, nhất là điều chỉnh về quan điểm giai cấp, nhưng vẫn khẳng định tính toàn vẹn của Cương lĩnh. Đến đại hội X không khẳng định tính toàn vẹn của Cương lĩnh nữa và có sự điều chỉnh đối với một số nội dung của Cương lĩnh 91. Điều chỉnh về tính chất Đảng, trở lại quan điểm của Đại hội II: Đảng là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, cũng là Đảng của dân tộc, điều chỉnh vấn đề công hữu về tư liệu sản xuất, thay mệnh đề nhân dân lao động làm chủ bằng mệnh đề nhân dân làm chủ, tức là toàn dân làm chủ sau những tranh luận gay gắt.  Đặc biệt là việc đảng viên được làm kinh tế tư nhân cũng đã được khẳng định ở mức độ Đại hội biểu quyết tán thành vào những phút chót.

Quả thật là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” là cực kỳ gian khổ - một cuộc chiến đấu khổng lồ - mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này thì phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Chính cái sức mạnh ấy sẽ quyết định dòng chảy của lịch sử. Dòng chảy ấy cuốn theo những biến động dữ dội trong đời sống đất nước. Cũng trong dòng chảy ấy, thời gian đã xóa nhòa đi nhiều điều, nhưng thời gian đồng thời cũng làm nổi bật lên tính quy luật của sự vận động. “... thời gian chuẩn bị cho ý kiến và niềm tin của đám đông nghĩa là chuẩn bị mảnh đất cho những thứ đó nảy mầm... Thời gian là ông chủ đích thực của chúng ta, chỉ cần để cho nó tác động, ta sẽ thấy mọi sự vật biến đổi”*. Và đã biến đổi thì cái cũ sẽ phải được thay thế bằng cái mới.

(*) Gustave le Bon. “Tâm lý học đám đông”. NXB Tri thức. 2008, tr.126 và 127

GS. Tương Lai
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục