Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, với tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện tương đối trong thời gian qua, triển vọng phát hành trái phiếu chính phủ đã “tươi sáng trở lại”.
Tính từ đầu năm 2010, trong tổng khối lượng 15.400 tỷ đồng trái phiếu chính phủ chào bán, qua đấu thầu 16 lô trái phiếu, thì chỉ có 2.760 tỷ đồng được mua, một tỷ lệ không phải là cao. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là có 3 lô trái phiếu phát hành giữa tháng 4 vừa qua đã được mua hết. Riêng 3 lô này đã mang lại 2.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại vẫn là những nhân tố chính tham gia vào các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ. Do đó, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò quan trọng.
Riêng tháng 2/2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “bơm” vào hệ thống ngân hàng khoảng 60.000 tỷ đồng dưới dạng tái cấp vốn với kỳ hạn 3 tháng. Thanh khoản được cải thiện chính là điều kiện đầu tiên cho phép các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ.
Trái phiếu chính phủ vẫn được coi là “của để dành”, các ngân hàng thương mại có thể sử dụng để lấy vốn một cách dễ dàng qua thị trường mở (OMO). Khác với khoảng thời gian cuối năm 2009, từ đầu năm 2010, NHNN đã không còn “giới hạn” giao dịch qua cửa OMO, nghĩa là NHNN thậm chí chào vốn cho vay nhiều hơn số giấy tờ có giá mà các tổ chức tín dụng sở hữu.
Qua đợt đấu thầu thành công 3 lô trái phiếu chính phủ này, đã có một số ý kiến cho rằng mức lợi suất trái phiếu đưa ra là cao. Thực tế không hoàn toàn như vậy.
Ngay trong tháng 3/2010, Kho bạc Nhà nước đã từng phải chấp nhận trả mức lợi suất 12%/năm cho loại trái phiếu kỳ hạn 2 năm khi mà các mức lợi suất bỏ thầu dao động từ 12-13,5%/năm. Cũng trong tháng 3, Kho Bạc Nhà nước cũng đã phải trả mức lợi suất 12,1%/năm cho loại trái phiếu kỳ hạn 3 năm.
So sánh như vậy để thấy, các mức lợi suất cho trái phiếu 2 năm, 3 năm, 5 năm lần lượt là 11,3%/năm; 11,4%/năm; 11,5%/năm trong đợt đấu thầu giữa tháng 4/2010 là không hề cao, thậm chí còn thấp hơn khá nhiều so với đợt phát hành diễn ra chỉ vài tuần trước đó. Liệu đây có phải là xu hướng giảm trong lợi suất của trái phiếu chính phủ (nghĩa là giá trái phiếu có xu hướng tăng)?
Trao đổi với ĐTCK, một vị lãnh đạo phòng Vốn & Kinh doanh tiền tệ của một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, thực sự đã có một xu hướng giảm trong lợi suất trái phiếu chính phủ. Những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới lợi suất trái phiếu chính phủ là lãi suất thị trường và lạm phát.
Sau khi Chính phủ đã có chỉ đạo đưa mặt bằng lãi suất đi xuống, NHNN và Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có những động thái tác động tới lãi suất thị trường. Như ĐTCK đã phản ánh trong số trước, NHNN đang cân nhắc cho các ngân hàng tiếp tục vay vốn khi mà khoản tiền khoảng 60.000 tỷ đồng đưa ra thị trường vào tháng 2/2010 tới hạn trả lại vào đầu tháng 5/2010, một hành động góp phần làm giảm lãi suất thị trường.
Trong khi đó, mức tăng lạm phát của nền kinh tế đang được kiểm soát tốt và đây chính là yếu tố quan trọng nhất tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Trong đợt đấu thầu giữa tháng 4/2010, khối lượng bỏ thầu cho 2.000 tỷ trái phiếu của các nhà đầu tư đã lên tới 8.300 tỷ, một con số thể hiện nhu cầu đầu tư khá lớn của các tổ chức.
“Giới đầu tư đã có niềm tin vào quá trình kiểm soát lạm phát của Chính phủ, trong khi lãi suất thị trường đang có dấu hiệu đi xuống, chắc chắn trái phiếu chính phủ sẽ còn đắt hàng”, vị lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước bình luận.
Trên thực tế, lợi suất của trái phiếu chính phủ thường biến động cùng chiều với lãi suất thị trường. Khi lãi suất theo chiều giảm, lợi suất trái phiếu cũng theo xu hướng giảm, nghĩa là giá trái phiếu đắt lên. Khi đó, người mua trái phiếu sẽ có lời.
Có thể nói, hiện nay, phát hành trái phiếu chính phủ đang khá thuận lợi. Tuy nhiên, hiện tại mới là cuối tháng 4, diễn biến của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô còn có thể biến động. Nói vậy để thấy rằng, kế hoạch phát hành trên 50.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2010 không phải dễ gì đạt được.