Buộc ngân hàng niêm yết để minh bạch hoạt động

(ĐTCK) Nắm bắt đà hồi phục của thị trường chứng khoán, cũng như thực hiện theo quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, để minh bạch hoạt động, thì UPCoM là chưa đủ...
Buộc ngân hàng niêm yết để minh bạch hoạt động

Nhiều ngân hàng còn chưa lên UPCoM

Sau vài lần trì hoãn, ngày 4/11 vừa qua, VietBank đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện các thủ tục đăng ký toàn bộ 324,9 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM, tương ứng tổng giá trị đăng ký 3.249 tỷ đồng.

Trước đó, Kienlongbank, VIB hay LienVietPostBank cũng đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Theo giới quan sát, bên cạnh yếu tố thị trường chứng khoán hồi phục tích cực, thì việc nhiều ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM trong thời gian qua còn nhằm thực thi theo quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Dù vậy, ngoài những cái tên kể trên, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa triển khai việc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, cho dù trước đó đã lên kế hoạch như VietA Bank, Viet Capital Bank, TPBank, BacA Bank, Saigonbank…

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank cho biết, các ngân hàng cần sớm đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM bởi đây là điều bắt buộc.

“Niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức được xem là động thái để nâng cao tính minh bạch hoạt động của ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng chưa được quan tâm nhiều từ các nhà đầu tư, nên việc niêm yết phụ thuộc vào thị trường để đem lại lợi ích cho cổ đông”, ông Thắng nói.

Buộc ngân hàng niêm yết để minh bạch hoạt động

Thông tư 180/2015 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016, hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Theo đó, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016. Các ngân hàng thương mại cũng là công ty đại chúng nên không nằm ngoài quy định này.

Trước đó, vào cuối năm 2013, chủ trương hối thúc các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đưa ra (Nghị định 108/2013/NĐ-CP). Đến tháng 7/2014, hai cơ quan tiếp tục nhắc lại chủ trương này và đưa ra lộ trình, trong năm 2015, yêu cầu tất cả ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, mới có 13/35 ngân hàng thương mại thực hiện việc đưa cổ phiếu niêm yết trên các sàn chứng khoán. Cụ thể, niêm yết trên HOSE có VCB, BID, CTG, MBB, STB, EIB và mới đây là VPB; niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có ACB, SHB và NCB; giao dịch trên UPCoM có 3 ngân hàng là VIB, KLB và LPB.

Theo ông Bạch An Viễn, Trưởng Phòng Phân tích CTCK KIS Việt Nam, việc niêm yết trên sàn chính thức hay giao dịch trên UPCoM là cần thiết để minh bạch thông tin hoạt động, cũng như tạo sự cạnh tranh, nhưng do diễn biến thị trường những năm qua chưa thuận lợi, cùng với tâm lý e ngại của các ngân hàng, nên còn chậm.

“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường tài chính đã chuyển động theo chiều hướng tích cực, hoạt động của ngành ngân hàng đang từng bước được cải thiện khi tín dụng tăng trưởng tốt, nợ xấu dần được đẩy lùi kể từ khi có Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội được ban hành và cổ phiếu ngân hàng đang dần tăng trưởng trở lại”, ông Viễn nói.

Giới quan sát cho rằng, lên sàn sẽ tạo minh bạch cho ngân hàng và theo quy định về công bố thông tin, tất cả các tổ chức tín dụng hiện đều là các công ty đại chúng quy mô lớn, nên càng phải thực hiện công bố thông tin. Hơn nữa, tất cả tổ chức tín dụng đều chịu sự quản lý của NHNN, việc báo cáo tình hình tài chính, hoạt động được yêu cầu thực hiện thường xuyên và liên tục. Do đó, nếu minh hoạt động sẽ giúp hoạt động quản lý được hiệu quả hơn.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, để giúp người dân có thể nắm được tình hình sức khỏe của các ngân hàng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, công bố báo cáo tài chính định kỳ, có kiểm toán. Qua đó, người dân và nhà đầu tư có thể giám sát, xác định tình hình tài chính của các ngân hàng, từ đó bảo vệ người gửi tiền.

Liên quan đến vấn đề ngân hàng yếu kém, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo thông tư mới thay thế quy định cũ, trong đó sẽ đánh giá, phân loại không chỉ ngân hàng thương mại cổ phần, mà còn cả ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, tổ chức tín dụng nước ngoài...

“Các tổ chức tín dụng sẽ được đánh giá theo các tiêu chí định lượng, định tính theo định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, việc công bố các kết quả này chỉ thông báo cho các tổ chức tín dụng, chứ không công bố rộng rãi ra đại chúng vì yếu tố an toàn.

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đã công bố xếp hạng ngân hàng. Đây là tiêu chí tham khảo hữu ích cho người gửi tiền, cũng như nhà đầu tư. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, mục tiêu xếp hạng là để quản lý và đánh giá kết quả an toàn của các tổ chức tín dụng, cũng như phát hiện tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro để có hành động kịp thời”, ông Hưng cho hay.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục