Bước đột phá trong dịch vụ thẻ

(ĐTCK-online) Trong khi dự án Banknet mới thực hiện giai đoạn thử nghiệm kết nối thì một liên minh thẻ khác do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dẫn đầu đã tiến thêm một bước thứ hai đó là thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ SmartLink do các thành viên góp vốn, một trong những mục đích là nhằm hỗ trợ các ngân hàng thành viên cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng hơn, trong đó hướng tới cung cấp các dịch vụ đa kênh mới. Lãnh đạo SmartLink khẳng định, những dịch vụ mới, kể cả đặt lệnh mua bán chứng khoán qua SMS, cũng có thể thực hiện được.
SmartLink sẽ cho phép cung cấp hệ thống giải pháp đa kênh SmartLink sẽ cho phép cung cấp hệ thống giải pháp đa kênh

Trong liên minh thẻ của Vietcombank với 16 thành viên là các ngân hàng trong nước thì hiện Vietcombank vẫn giữ vai trò thực hiện kết nối giữa các thành viên, khách hàng sử dụng thẻ của Vietcombank, Techcombank, VPBank… đều có thể sử dụng để rút tiền tại bất kỳ máy ATM nào trong 2.000 máy ATM thuộc liên minh này. Tuy nhiên, với sự ra đời của SmartLink thì nhiệm vụ thực hiện kết nối sẽ được chuyển giao sang công ty này. Ngoài việc đảm nhiệm kết nối giữa các thành viên thì nhiệm vụ quan trọng hơn của SmartLink là gia tăng tiện ích cho các chủ sử dụng thẻ, cung cấp thêm những giải pháp thanh toán mới cho khách hàng.

Theo bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc SmartLink, trước mắt SmartLink sẽ cung cấp một cổng thanh toán giữa ngân hàng và các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ, thẻ phát hành ra sẽ sử dụng được nhiều tiện ích hơn thay vì chỉ rút tiền như hiện nay. Chẳng hạn, trong tháng 11 tới, hình thức thanh toán billing (thanh toán hóa đơn qua máy ATM) sẽ được thực hiện trong toàn hệ thống của liên minh. Trước đây, mặc dù các máy ATM trong liên minh đã được kết nối nhưng việc đưa thêm dịch vụ thanh toán hóa đơn điện thoại, điện, nước, đóng phí bảo hiểm… chỉ được thực hiện đơn lẻ. Ví dụ như trước đây, Vietcombank ký hợp đồng cho khách hàng thanh toán cước di động qua máy ATM thì đồng nghĩa khách hàng chỉ có thể sử dụng máy ATM của Vietcombank để thanh toán, nhưng sắp tới khách hàng sử dụng thẻ trong liên minh có thể sử dụng bất kỳ máy ATM nào để thanh toán.

Cũng theo bà Tú Anh, cái đích hướng tới lớn hơn đó là SmartLink sẽ cho phép cung cấp hệ thống giải pháp đa kênh không chỉ qua máy ATM, mà còn qua các điểm chấp nhận thanh toán (POS), cũng như dịch vụ thanh toán qua tin nhắn SMS. Đồng thời, giúp ngân hàng tăng cường các sản phẩm thẻ không chỉ giới hạn ở hai loại thẻ tín dụng (credit) và ghi nợ (debit) mà phát triển thêm một loại sản phẩm trả trước (prepaid) đã được phát triển rất mạnh ở các nước phát triển.

“Dịch vụ mới này cũng như việc tăng các ứng dụng sẽ tạo cho người dân thực sự thấy rằng, sử dụng thẻ trong thanh toán là tiện lợi, thay vì định nghĩa thẻ là chỉ để rút tiền. Có như vậy mới có thể thực hiện được mục tiêu tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt”, bà Tú Anh nói. SmartLink sẽ cùng các ngân hàng thành viên thiết lập hệ thống POS, thiết lập các máy chấp nhận thanh toán nhỏ gọn trên các phương tiện giao thông công cộng, các điểm thu phí cầu đường, hoặc trang bị máy cho nhân viên thu cước điện thoại, phí điện nước… để người sử dụng có thể dùng thẻ trả tiền cho các khoản này.

Ngoài ra, đối với việc thanh toán qua hệ thống tin nhắn SMS (mobile pay) mà hiện mới chỉ có Techcombank phát triển trong phạm vi hẹp sẽ được mở rộng hơn. Theo bà Tú Anh, bất kỳ một hình thức thanh toán qua đại lý nào cũng có thể sử dụng hình thức này, kể cả việc đặt lệnh mua/bán chứng khoán. Tất nhiên, để đưa dịch vụ này vào triển khai sẽ cần một khoảng thời gian.

Hiện vốn điều lệ của SmartLink là 50 tỷ đồng, cổ đông chính là 16 ngân hàng trong liên minh, trong đó Vietcombank chiếm phần vốn lớn nhất với 11%. Bà Tú Anh cho biết, hiện có thêm 15 ngân hàng liên doanh, ngân hàng ngoài nước cũng như trong nước mong muốn gia nhập vào liên minh. Nếu điều này được thực hiện thì liên minh thẻ mà Vietcombank đứng đầu sẽ là liên minh có số thành viên cũng như mạng lưới lớn nhất trong số 4 liên minh thẻ hiện nay.

Ngọc Kha
Ngọc Kha

Tin cùng chuyên mục