Cửa ải đầu tiên
Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai (Dự án Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai) vừa vượt qua được một trong những “cửa ải” quan trọng đầu tiên, khi vào giữa tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký Công văn số 4342/BKHĐT-KTĐN gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất đầu tư dự án này do UBND TP. Hà Nội đóng vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFP).
Trong trường hợp đề xuất đầu tư Dự án Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao bộ này thông báo thông tin tới các nhà tài trợ, đồng thời giao UBND TP. Hà Nội làm việc với Bộ Tài chính để xác định thành tố ưu đãi khoản vay, bổ sung các thông tin này vào Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
“Giao UBND TP. Hà Nội tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với ADB, AFD và KfW tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo theo quy định”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Trước đó, vào tháng 7/2020, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.
Tại tờ trình này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm báo cáo để Thủ tướng phê duyệt đề xuất sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với Dự án và thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công để có thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2020.
Mặc dù không theo sát được kế hoạch ban đầu, nhưng theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tiến độ xem xét đánh giá của các bộ, ngành đối với Dự án Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Nhổn vẫn nhanh và thuận lợi hơn các dự án đường sắt đô thị trước đó.
Lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án trong năm 2021, chủ dự án sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt từ năm 2022 đến năm 2027; kiểm tra vận hành, chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1/2028.
Những điểm tựa tiến độ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một điểm thuận lợi lớn đối với Dự án Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai là cả 3 nhà tài trợ là ADB, KfW và AFP đều thể hiện sự quan tâm rất lớn với việc cho vay 1,478 tỷ USD.
Cụ thể, các nhà tài trợ này đã có công thư (KfW ngày 3/1/2020, AFD ngày 8/1/2020 và ADB ngày 9/1/2020) gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - đại diện chủ đầu tư - để bày tỏ sự quan tâm và thông báo các điều kiện chi tiết của từng khoản vay để làm cơ sở tính toán thời gian giải ngân, thanh toán nợ gốc, lãi vay...
Bên cạnh đó, để tiếp tục công tác chuẩn bị Dự án, ADB đã có cam kết (AFD và KfW đang làm đơn đề nghị EU) hỗ trợ vốn ODA không hoàn lại để thực hiện công tác chuẩn bị cho việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chi tiết có đánh giá về kỹ thuật, xã hội, môi trường, kinh tế, tài chính.
UBND TP. Hà Nội cho biết, tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, về cơ bản, là đoạn kéo dài của tuyến đường sắt đô thị số 3 từ Nhổn đến ga Hà Nội và sử dụng chung hệ thống cơ điện, hệ thống vé, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành bảo dưỡng của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Do vậy, Dự án Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ không xây dựng khu Depot/tòa nhà điều hành OCC riêng biệt, mà chỉ xây dựng một khu lập tàu tại Hoàng Mai.
“Cùng với việc áp dụng công nghệ chung với đoạn Nhổn - ga Hà Nội, do Dự án Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai đi ngầm hoàn toàn, nên yếu tố mặt bằng sẽ không phải là thách thức lớn, giúp chủ dự án có thể kiểm soát tốt tiến độ và giá thành công trình”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội thông tin.
Dự án Metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 8,7 km, đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác (vành đai 1), Mai Động (vành đai 2) và kết thúc phía sau vành đai 3, với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tầu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở).
Tổng mức đầu tư Dự án là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay các nhà tài trợ nước ngoài là 1.478,68 triệu USD, tương đương 34.231 tỷ đồng (gồm vay ADB 940,8 triệu USD, vay KfW 305,08 triệu USD, vay AFD 232,8 triệu USD). Phần còn lại là vốn đối ứng trị giá 6.346 tỷ đồng, tương đương 274,1 triệu USD từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội.