Bùng nổ đào tạo ngành quản lý gia sản tại châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường châu Á đang trong cơn khát nhân sự có kinh nghiệm tại lĩnh vực quản lý gia sản.
Bùng nổ đào tạo ngành quản lý gia sản tại châu Á

Khoảng trống nhân sự

Vào một tối tháng 6, trong khi phố xá Hồng Kông (Trung Quốc) nhộn nhịp lên đèn, 2 sinh viên tìm tới lớp học tại tầng 3 một toà nhà văn phòng ở khu phố tài chính nổi tiếng. Cùng tham gia lớp học này là các nhân viên ngân hàng, kế toán, tư vấn viên bảo hiểm… Tất cả đều là có mong muốn tiến sâu vào lĩnh vực quản lý gia sản - công việc đang có nhu cầu rất lớn tại thị trường châu Á.

Các khoá học buổi tối tương tự là một phần của cuộc đua toàn cầu, từ Singapore tới Miami và Lausanne, khi lĩnh vực quản lý gia sản của các gia đình giàu có bùng nổ, đặc biệt tại châu Á. Nhóm khách hàng với bất động sản trải dài, cuộc sống sang chảnh và có nhu cầu quản lý tài sản trở thành thị trường mục tiêu cho các tổ chức/cá nhân cung cấp dịch vụ. Quản lý các khoản đầu tư lên tới hàng triệu đô la, công việc với mức lương có thể đạt 1 triệu đô… trở thành vị trí mơ ước của nhiều người.

“Khoảng trống nhân sự lĩnh vực quản lý tài sản ngày càng mở rộng và trở thành vấn đề lớn. Không giống các công ty quản lý gia sản tại Mỹ hay châu Âu, các văn phòng quản lý gia sản tại châu Á thường được điều hành bởi một thành viên trong gia đình, nhưng cách làm này có những hạn chế", Dixon Wong, người đứng lớp tại HKU Space - một tổ chức giáo dục liên kết với Đại học Hong Kong chia sẻ.

Lớp học quản lý gia sản tại HKU School of Professional and Continuing Education (Hong Kong)

Lớp học quản lý gia sản tại HKU School of Professional and Continuing Education (Hong Kong)

Chuyển giao tài sản

Sự trỗi dậy của các công ty quản lý tài sản tại châu Á gắn liền với quá trình trưởng thành của thị trường này. Sau vài thế hệ làm việc, tích luỹ tài sản, nhiều doanh nhân trở nên giàu có và bắt đầu tìm kiếm người quản lý tài sản, cũng như tư vấn cho quá trình chuyển giao tài sản cho các thế hệ sau - điều mà thị trường châu Âu và Mỹ đã trải qua hàng thập kỷ.

Tới năm 2025, thị trường quản lý tài sản châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) có thể vượt trội so với Mỹ, theo nghiên cứu của HSBC Holdings Plc, nhất là khi quy mô của thị trường đã đạt gần 140 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Knight Frank dự báo, châu Á sẽ có nhiều cá nhân giàu có hơn châu Âu trong 3 năm tới.

Cùng với diễn biến này, các công ty quản lý gia sản chứng kiến nhu cầu gia tăng mạnh mẽ. 80% công ty được khảo sát bởi Campden Research trong báo cáo Các công ty quản lý gia sản châu Á - Thái Bình Dương được thành lập sau năm 2020. Trên toàn cầu, thị trường quản lý gia sản đang quản lý khối tài sản gần 6.000 tỷ USD năm 2019 và con số này liên tục đi lên cho tới nay.

“Châu Á có tiềm năng tăng trưởng cực lớn”, Rebecca Gooch, người đứng đầu bộ phận Deloitte Private tại London nhận định. Dù thị trường châu Á hiện chỉ chiếm khoảng 1/5 thị trường quản lý gia sản toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng là nhanh nhất thế giới.

Thị phần thị trường quản lý gia sản trên toàn cầu

Thị phần thị trường quản lý gia sản trên toàn cầu

Tất nhiên, các trung tâm kinh tế của khu vực cũng không bỏ lỡ cơ hội. Chính quyền Hong Kong đã sớm giới thiệu các chính sách thuế và sáng kiến cư trú nhắm tới việc thu hút nhóm khách hàng giàu có từ Trung Quốc đại lục, trong khi Dubai đã mở các trung tâm tập trung vào lĩnh vực quản lý tài sản gia đình.

Singapore cũng là một trong những người tiên phong với việc giảm/hoãn thuế và một số phúc lợi khác. Quốc gia này có khoảng 1.100 công ty quản lý gia sản tính tới cuối năm 2022, tăng mạnh so với con số khoảng 400 vào năm 2020, theo số liệu ước tính của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore. Vào tháng 3/2023, cơ quan này cho biết đang tiếp nhận thêm 200 hồ sơ đăng ký mới.

Trong khi đó, Hong Kong cũng đặt mục tiêu ít nhất có 200 công ty quản lý tài sản đứng đầu vào năm 2025.

Tất cả các công ty quản lý gia sản mới này đều cần nhân sự. Khoảng 40% công ty quản lý gia sản tham gia khảo sát của KPMG International và Agreus Group cho biết họ có kế hoạch tuyển dụng trong năm nay, trong khi 60% số nhân sự lĩnh vực này được tăng lương trong năm ngoái.

Theo lý thuyết, các doanh nghiệp này có thể lôi kéo hàng nghìn nhân sự vừa bị sa thải khỏi các tổ chức tài chính lớn như Credit Suisse Group AG, Morgan Stanley sau làn sóng sa thải vừa qua. Tuy nhiên, thực tế là các công ty quản lý tài sản gia đình có những yêu cầu riêng biệt với nhân sự.

Với đặc thù làm việc cho các gia đình giàu có, tầng lớp thượng lưu, có cái nhìn trực diện vào cuộc sống của khách hàng, yếu tố đáng tin cậy là vấn đề đặt lên hàng đầu. Một giám đốc công ty quản lý gia sản chia sẻ với Bloomberg News rằng, các nhân sự sẽ quản lý toàn bộ thông tin an ninh, các khoản đầu tư, từ thiện và mọi lịch trình tại các châu lục của khách hàng.

Theo đó, có chuyên môn tốt tại lĩnh vực tài chính không đồng nghĩa với việc sẽ phù hợp với lĩnh vực quản lý gia sản.

“Các kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng hơn so với các kỹ năng về công nghệ hay tài chính, bởi những yếu tố này hoàn toàn có thể thuê ngoài hoặc cải thiện", Manish Tibrewal, người từng điều hành Tolaram Group, sau đó thành lập Farro Capital - một văn phòng quản lý gia sản tại Singapore chia sẻ.

Theo Paul Westall, người đồng sáng lập Agreus, thị trường châu Á đang trong cơn khát nhân sự có kinh nghiệm tại lĩnh vực quản lý gia sản. Thách thức tuyển dụng nhân sự càng trở nên khó khăn tại các thị trường cạnh tranh như Singapore hay Hong Kong.

“Nếu quốc gia thiếu đi các nhân sự có kỹ năng, thì các văn phòng quản lý gia sản không thể hoạt động hiệu quả, đúng chức năng", Angel Chia, Chủ tịch Family Office Association Hong Kong cho biết.

Bến du thuyền cá nhân tại Hong Kong

Bến du thuyền cá nhân tại Hong Kong

Mở lớp dạy nghề

Để giúp đáp ứng nhu cầu, chính phủ nhiều nước đang hỗ trợ nguồn lực và mở các khoá học để chuyển đổi, đào tạo nhân sự.

Tại Singapore, Tổ chức Quản lý tài sản (Wealth Management Institute) - trung tâm nghiên cứu và giáo dục được sáng lập năm 2003 bởi quỹ đầu tư nhà nước GIC Pte và Temasek Holdings Pte thành lập - đang tổ chức các chương trình dạy học và cấp chứng chỉ, với sự giám sát bởi các nhà lập pháp.

Một trong những chương trình nổi bật của Wealth Management Institute là chương trình dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp, tham dự khoá học với chi phí 8.922 USD để nhận Chứng chỉ Thực hành quản lý gia sản (Certified Family Office Practitioners). Nhiều sinh viên và công dân Singapore đăng ký khoá học kéo dài chỉ trong 5,5 ngày.

Một chương trình quản lý tài sản nổi tiếng của Thuỵ Sỹ cũng vừa được triển khai tại Singapore, với mức phí khởi điểm là 13.142 USD cho thời gian học 3,5 ngày.

Tất nhiên, các trung tâm tài chính khác của châu Á sẽ không đứng ngoài cuộc đua. Hong Kong lên kế hoạch hỗ trợ cho chương trình Wealth Legacy nhằm đào tạo chuyên gia tại các tổ chức tư vấn/quản lý tài sản.

Trong khi đó, Dubai giới thiệu DIFC Family Wealth Centre vào tháng 3/2023, với mô tả đây là một trong những trung tâm đầu tiên tập trung vào quản lý gia sản trên thế giới.

Dù vậy, theo các chuyên gia, những khoá học chỉ là giải pháp tạm thời và có phần qua loa. Các công ty quản lý gia sản luôn ưu tiên tuyển dụng người có kinh nghiệm, nhưng vì sự bùng nổ của thị trường mà tình trạng thiếu hụt nhân sự ngày càng lớn. Theo Jennifer Pendergast, giáo sư tại Kellogg School of Management (Northwestern University), tình trạng này khiến doanh nghiệp buộc phải chấp nhận nhân sự chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu.

Trong khi đó, nhân sự một công ty quản lý gia sản cho biết: “Có rất ít những thứ liên quan giữa chương trình học và thực tế làm việc, tới mức tôi cảm thấy chính người dạy cũng chưa hiểu về nghề. Thoạt nhìn, công việc có vẻ chỉ là quản lý tài sản, nhưng một khi đi vào thực tế, nhân sự sẽ nhận ra rằng, để làm việc, cần nhiều điều hơn thế".

Tất nhiên, sau khoá học chỉ vài ngày, một số người sẽ tham gia thị trường quản lý gia sản, dù bản thân có thực sự sẵn sàng hay không. Manish Tibrewal chia sẻ, phải chấp nhận rằng, các giảng viên không thể dạy mọi thứ chỉ trong vài tuần. Để trở thành chuyên gia, mỗi người cần thấy mình phù hợp với công việc và điều này chỉ đến cùng với thời gian và trải nghiệm.

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 - Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) là sự kiện về lĩnh vực quản lý tài sản lần đầu tiên do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Thời gian: 13h00-18h00, ngày 8/8/2023

- Địa điểm: Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

Với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy/Swimming in the vortex”, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với sự tham gia của các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế sẽ thảo luận chuyên sâu về kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, chiến lược đầu tư hiệu quả trong môi trường biến động khó lường; về các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ đầu tư được ưu thích trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vàng, ngoại tệ, bất động sản…

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 sẽ có các hoạt động chính sau:

- Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam & quốc tế, với hai phiên trình bày và thảo luận với chủ đề “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội”;

- Vinh danh sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2023;

- Vinh danh các doanh nghiệp Vì sự phát triển của Dịch vụ tài chính.

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục