"Bùng nợ" của công ty tài chính tăng vọt, VNBA kiến nghị tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kiến nghị tháo gỡ trước tình hình thu hồi nợ bị đình trệ, nợ xấu tăng cao, một số khách hàng chây ỳ trả nợ.
Công an quận 1 tới kiểm tra Công ty tài chính Shinhan. Công an quận 1 tới kiểm tra Công ty tài chính Shinhan.

Khách hàng chây ỳ trả nợ, thách thức nhân viên thu hồi nợ

Trong công văn vừa gửi Ngân hàng Nhà nước, VNBA cho hay, các công ty tài chính đang phải đối mặt với tình trạng khách hàng “bùng nợ” tăng cao sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm. Tính đến 31/12/2022, nợ xấu của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, vừa qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất tích cực, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ thuê. Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra một số trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty tài chính.

Đồng thời, việc này cũng dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao. Một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức về các cuộc kiểm tra này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức nhân viên thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.

Tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.

Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều (bắt bớ, điều tra, từ kiểm tra của cơ quan chức năng). Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao, tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn trước, do nhiều nguyên nhân như định kiến xã hội về công việc, rủi ro tính mạng khi tác nghiệp, tác động của gia đình...

Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý.

Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.

Kiến nghị thông tin về tính chất các cuộc kiểm tra, tránh gây hoang mang

Trước khó khăn chồng chất, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai (ví dụ: quy định tỷ lệ nợ xấu chuẩn cho công ty tài chính ở mức cao hơn để phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, cho vay không có tài sản bảo đảm...).

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ. Có giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là việc thu hồi nợ, bán nợ, thuê tư vấn dịch vụ pháp lý... nhằm uốn nắn kịp thời, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan công an lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với những công ty biểu hiện vi phạm.

VNBA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng công ty tài chính tiêu dùng trên cơ sở đề nghị của công ty tài chính tiêu dùng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, đặc biệt đối với công ty tài chính tiêu dùng đã tham gia các gói tín dụng ưu đãi, góp phần hạn chế tín dụng đen; Xem xét cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho một số công ty tài chính tiêu dùng, chẳng hạn như với các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả.

Với Bộ Công an, bên cạnh điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” và tổ chức đòi nợ thuê tín dụng đen, Hiệp hội cũng đề xuất Bộ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cho rằng, cơ quan chức năng khi triển khai các hoạt động kiểm tra, khám xét (nếu có) theo đúng trình tự của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đồng thời, thông tin đến người dân về tính chất của các cuộc kiểm tra hành chính, tránh gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động tại chính các công ty tài chính hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật…

Ngày 19/5 vừa qua, Đội cảnh sát hình sự Công an quận 1, công an các phường trên địa bàn TP.HCM phối hợp kiểm tra Công ty TNHH MTV Shinhan trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Trước đó, hàng loạt công ty tài chính, công ty cầm đồ khác cũng bị kiểm tra. Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội ngân hàng, đến nay, cơ quan chức năng chưa thông báo kết luận.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục