Bull trap - cú knock out tâm lý

(ĐTCK-online) Sự tăng, giảm đột biến của thị trường ngay sau các đợt bull trap được coi là cú knock out vào tâm lý của nhà đầu tư (NĐT). Tuy nhiên, chính điều này đã giúp sàng lọc NĐT, để thị trường ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn.
Bull trap - cú knock out tâm lý

Ở đợt bull trap gần nhất là phiên giao dịch ngày 27/1, giới đầu tư chuyên nghiệp đã "mỉm cười" trước sự đỏng đảnh của VN-Index và tâm lý đám đông của thị trường. Theo đó, sự giảm điểm của đợt khớp lệnh thứ nhất hoàn toàn phù hợp với xu hướng đi xuống của phiên giao dịch liền trước. Tuy vậy, nhiều NĐT vẫn gắng gượng mua vào khi nhận thấy lực bán ra không nhiều, đẩy chỉ số tăng mạnh ở đợt khớp lệnh thứ hai. Lúc này, những NĐT kinh nghiệm đã nhận thấy sự không bền vững của cơn sóng tâm lý, khi giá trị giao dịch chỉ xấp xỉ 500 tỷ đồng. Họ đã nhanh chân bán mạnh cổ phiếu ra và ngay lập tức kéo chỉ số chung của thị trường xuống thấp vào phiên thứ 3, đập tan niềm hy vọng "xanh ngắt" trong phiên hai.

Kết quả cuối cùng của đợt bull trap này được đánh dấu bằng việc VN-Index mất tới hơn 14 điểm vào phiên giao dịch 28/1. Theo ghi nhận của ĐTCK, sau đợt bull trap này, không ít NĐT đã quyết định tạm rời bỏ thị trường bằng cách chuyển tiền sang gửi tiết kiệm.

Theo giới phân tích, quá trình thay đổi mạnh của VN-Index trong một phiên giao dịch không là điều lạ và là yếu tố hấp dẫn dân "lướt sóng". Tuy nhiên, ở xu hướng thị trường đi xuống và chỉ số chung đang ở mức đáy kỹ thuật thì lại có thể khiến đa số NĐT "lướt sóng" rơi vào bẫy giảm giá. Nếu xuất hiện quá nhiều cái bẫy này trong một thời gian ngắn thì những NĐT theo T+… sẽ hết "đất làm ăn" và vì thế, sự tạm thời ra đi của họ là tất yếu. Chính điều này đã khiến tính thanh khoản của của nhiều cổ phiếu và giá trị giao dịch trung bình hàng ngày thấp dần.

Ở một góc độ khác có thể thấy, quá trình bán tháo cổ phiếu đang là mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường hiện nay. Theo những NĐT kinh nghiệm, "hiệu lệnh" bán tháo có thể được bắt nguồn từ khối NĐT "lướt sóng". Chính vì thế, khi thị trường thanh lọc được nhóm NĐT này sẽ giảm bớt được rủi ro tuột dốc. Với những NĐT chuyên nghiệp và dài hạn, rất nhiều người vẫn dành tiền trong tài khoản và chờ thời để mua chứng khoán vào. Theo giới quan sát, điều họ chờ đợi không chỉ là giá chứng khoán giảm thêm, mà là những chính sách cải thiện sức cầu cho thị trường.

Phân tích nguồn cung tiền cho thị trường, giám đốc một công ty chứng khoán tại TP. HCM cho rằng, với mặt bằng lãi suất tiết kiệm cao như hiện nay, số tiền của NĐT chứng khoán chuyển dần sang ngân hàng là khá hiển nhiên. Do đó, chỉ cần một động thái nhỏ từ phía ngân hàng trong việc điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm là những NĐT đã có sẵn tiền trong tài khoản sẽ tung ra mua vào cổ phiếu.

Cũng theo vị giám đốc này, ở thời điểm suy giảm hiện nay, TTCK đang trong quá trình sàng lọc NĐT. Đến một mức độ nào đó, sự sụt giảm sẽ chững lại khi số đông NĐT "lướt sóng" chia tay thị trường. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, vai trò của nhóm này không thể thiếu, bởi đó là nhân tố làm tăng tính thanh khoản, điều kiện để thị trường phục hồi và bứt phá.

Vậy, bao giờ những NĐT này quay trở lại? Nhìn lại quy luật tăng giảm của TTCK Việt Nam trong vài năm trở lại đây, có thể thấy năm 2008, sự điều chỉnh của thị trường đến sớm hơn năm 2006 và 2007. Theo giới phân tích, chính vì thế thị trường trở nên nhạy cảm và chuyên nghiệp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm rủi ro đối với NĐT chứng khoán nhỏ lẻ, thiếu kinh nhiệm. Tất nhiên, họ sẽ cảnh giác hơn trong việc chọn thời điểm "vào" lại thị trường. Theo kinh nhiệm của nhiều NĐT chứng khoán lâu năm, thời điểm các quý I - II trong năm, thị trường sẽ khó có sự bứt phá, vì đây là lúc các doanh nghiệp mới bắt đầu các hoạt động kinh doanh của năm.

Hiện, nơi "lánh nạn" của những NĐT nhỏ lẻ và "lướt sóng" dường như đã được đặt trước với các thời gian tương ứng. Theo đó, thời điểm quý I và II của năm 2008 sẽ là lúc mà các chính sách tiền tệ phát huy hết uy lực hút tiền đồng về ngân hàng, nên tỏ rõ ảnh hưởng tiêu cực tới việc "siết" sức cầu của TTCK. Tuy nhiên, nếu trường vốn, NĐT có thể xem xét mua vào dần, vì đã xuất hiện những dấu hiệu khả quan từ động thái của các cơ quan quản lý.

Tuấn Dũng
Tuấn Dũng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ