Ghi nhận thông tin từ nhân sự chuyên đảm trách tư vấn các thương vụ M&A trong CTCK cho thấy, từ đầu năm đến nay, hầu hết các hoạt động liên quan đến M&A im ắng hơn so với cùng kỳ do chịu ảnh hưởng từ đại dịch.
Hiếm có các thương vụ mới xuất hiện trong thời gian này, chỉ chủ yếu là các thương vụ cũ, đã đàm phán từ các năm trước, nay tiến hành chốt và công bố ra thị trường.
Tháng 1/2020, Tập đoàn Mitsubishi và Nomura Real Estate công bố mua 80% cổ phần giai đoạn 2 của dự án Vinhomes Grand Park của Vinhomes (VHM) tại Quận 9, TP.HCM. Giai đoạn 2 có diện tích 26 ha, gồm 21 tòa nhà với hơn 10.000 căn hộ. Tổng vốn đầu tư khoảng 21.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và bàn giao vào năm 2022.
Bên cạnh thương vụ này, thị trường M&A ghi nhận làn sóng đầu tư tư từ Thái Lan vẫn đang tìm kiếm doanh nghiệp Việt với một số thương vụ đang dần bộc lộ. Công ty Năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation (SUPER) có thông báo sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào cụm 4 dự án nhà máy điện tại tỉnh Bình Phước.
Thông tin từ Nikkei Asian Review thì cho biết, tập đoàn đa ngành của Thái Lan - SCG - tuyên bố sẽ mua cổ phần CTCP Bao bì Biên Hoà (SVI) thông qua việc liên doanh với nhà sản xuất bìa cứng hàng đầu Nhật Bản - Rengo.
Theo đó, mức mua dự kiến khoảng 15% tổng tài sản SVI, tương đương bên mua chi ra gần 635 tỷ baht (hơn 19 triệu USD, khoảng 448 - 500 tỷ đồng).
Tập đoàn Stark của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ mua lại 100% vốn tại CTCP Cáp điện Thịnh Phát và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt (Dovina), với mức giá không quá 240 triệu USD.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 4 tháng đầu năm 2020, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 3.200 lượt.
Tuy nhiên, quy mô của dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài khá khiêm tốn.
Tổng giá trị giao dịch đạt gần 2,48 tỷ USD, giảm 65,3% so với cùng kỳ năm 2019, bình quân chỉ 0,77 triệu USD/lượt góp vốn. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể, từ 48,9% trong 4 tháng năm 2019 xuống 20,1% trong 4 tháng năm 2020.
Chia sẻ từ một số nhân sự chuyên tư vấn M&A trên thị trường cho biết, một số thương vụ đã được đàm phán đến giai đoạn cuối nay bị tạm hoãn lại, thậm chí bên có tiền muốn xem xét lại mức định giá, vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang làm khó các công ty mục tiêu.
Ngoài ra, một số đầu mối bên mua có tập đoàn mẹ ở chính quốc thay đổi về chiến lược sau đại dịch, hoặc bản thân họ cũng đang gặp khó trong huy động tiền và không muốn đầu tư dàn trải như chiến lược đã đặt ra.
Do tính chất bảo mật, nên tên các thương vụ đang trong quá trình thẩm định, đàm phán không được tiết lộ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, đang có một thương vụ lớn gần về đích.
Trong lĩnh vực dược phẩm, một tập đoàn Hàn Quốc ban đầu dự định sẽ M&A vài công ty trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam, nay đang cân nhắc chọn 1 doanh nghiệp. Thương vụ này cũng đang ở giai đoạn gần về đích.
Một số lĩnh vực khác ghi nhận nhu cầu M&A sôi động, nhưng vẫn chưa có một thương vụ nào đi đến phần “ngồi vào bàn đàm phán”.
Bên mua kỳ vọng mức giảm giá nhiều hơn, trong khi giá mà bên bán đưa ra đã giảm nhiều so với trước khi có dịch Covid-19. Các thương vụ “mầm” này diễn ra ở lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phân khúc nghỉ dưỡng như hotel, resort, condotel (chưa có pháp lý rõ ràng).
Các môi giới M&A cho biết, họ ghi nhận nhiều nhu cầu từ bên bán, nhất là ở lĩnh vực bất động sản và chuỗi bán lẻ, nhưng bên mua không có nhiều.
Thực tế cũng có một số thương vụ sang tay, với bên mua là các nhà đầu tư nội, còn nhà đầu tư nước ngoài thì khá hiếm. Do gặp phải trở ngại giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới của nhiều quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài không thể tiến hành các hoạt động thẩm định cũng như tiếp xúc với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, “sau cơn mưa trời lại nắng”, hy vọng đỉnh dịch đã qua và quãng thời gian tới sẽ là thời điểm tốt để các bên mua tìm kiếm được các cơ hội đầu tư với mức định giá và điều khoản thoả thuận tốt hơn trên thị trường M&A Việt Nam.