Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm

(ĐTCK) Không đạt được kế hoạch đưa ra, song lãnh đạo các nhà băng cho rằng, trước bối cảnh thị trường hiện nay, khi tín dụng khó tăng trưởng thì không thể kỳ vọng lợi nhuận cao.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm

> Lợi nhuận ngân hàng: Áp lực từ tăng trưởng tín dụng thấp 

> Lợi nhuận ngân hàng 2013, nhiều đòi hỏi…  

Không kỳ vọng cao

Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt được của Eximbank ở mức 800 tỷ đồng, mới bằng 1/4 kế hoạch cả năm (3.200 tỷ đồng). Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Eximbank sụt giảm được Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lê Hùng Dũng cho biết, do tăng trưởng tín dụng ì ạch, 7 tháng đầu năm tăng trưởng 5,7%.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, người đứng đầu Eximbank cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao, nên tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu. Khi đó, khoản dự phòng rủi ro tín dụng không tăng lên và lợi nhuận sẽ tốt hơn.

VCBS cũng vừa đưa ra con số cập nhật kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ Vietcombank 6 tháng đầu năm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã thu lãi 2.600 tỷ đồng trước thuế, cho dù tăng trưởng tín dụng của nhà băng này vẫn trong tình trạng âm 1,1% so với cuối năm trước.

 Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm ảnh 1

Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt được của Eximbank ở mức 800 tỷ đồng, mới bằng 1/4 kế hoạch cả năm

 

Vietcombank đã hoàn thành 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng sau khi sử dụng dự phòng để xóa nợ xấu đến thời điểm này là 2,7%, giảm từ mức 3,22% trong quý I/2013 và vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Nguồn dự phòng rủi ro 1.900 tỷ đồng được trích lập từ những tháng đầu năm 2013, theo Vietcombank, là hoàn toàn đủ để xử lý rủi ro nợ xấu. Theo dự báo của VCBS, nếu 2 quý cuối năm không xảy ra hiện tượng khách hàng lớn đáo hạn các khoản vay như đã xảy ra đầu năm thì tín dụng của Vietcombank sẽ được cải thiện và tăng trưởng dương. Tuy nhiên, VCBS vẫn đưa ra kịch bản thận trọng và dự báo Vietcombank đạt 5.510 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2013, bằng 95% kế hoạch năm.

Sacombank đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 2 quý hoạt động đầu năm nay, tương đương 52% kế hoạch năm. Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, đạt được mức lợi nhuận nói trên là do Ngân hàng đẩy mạnh chiến lược cho vay phân tán. Vì thế, dư nợ cho vay của Sacombank trong hai quý qua đạt gần 109.580 tỷ đồng, tăng 12,9% so với đầu năm, trong đó, cho vay cá nhân chiếm hơn 50%. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng hiện là 2,46%. Cũng theo ông Phú, để có thêm dư địa đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong thời gian từ nay đến cuối năm, Sacombank đã xin NHNN và được chấp thuận nâng “room” tín dụng từ 12% lên 20%.

 

Khi nợ xấu rình rập

Nợ xấu vẫn là mối đe dọa tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện nay, dẫn đến nguồn thu từ hoạt động này giảm sút, trong khi chi phí đầu vào khó có thể cắt giảm thêm nữa. Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng cho rằng, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng trước đây luôn có cơ cấu từ tín dụng đến dịch vụ, nhưng hiện nay, mảng dịch vụ như kinh doanh vàng, ngoại tệ… không còn như trước. Vì thế, ngân hàng chỉ kỳ vọng vào nguồn thu từ tín dụng.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các nhà băng có thể hạ chuẩn để ồ ạt đẩy vốn cho vay. Ngược lại, việc kiểm soát chất lượng cho vay, hạn chế rủi ro nợ xấu luôn được đặt lên hàng đầu.

“Bản chất của sự sụp đổ trong ngân hàng mà điển hình là hàng loạt ngân hàng Mỹ phá sản cách đây vài năm chính là cho vay dưới chuẩn. Trước đây, nhiều người từng ca ngợi những hình thức cho vay của các ngân hàng Mỹ là tiên tiến, còn ngân hàng trong nước chỉ là ‘tiệm cầm đồ’. Nhưng thực tế cho thấy, chính sự chặt chẽ trong cho vay đã hạn chế được rủi ro cho các ngân hàng và quan điểm của Eximbank là không hạ chuẩn tín dụng. Song đó cũng chính là lý do khiến dư nợ tăng chậm, ảnh hưởng đến nguồn thu của Ngân hàng”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, hạ chuẩn cho vay chưa hẳn đồng nghĩa lợi nhuận cao. Chẳng hạn, trong năm nay, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 3.000 tỷ đồng, nhưng sang năm, nợ xấu của ngân hàng tăng lên 2.000 tỷ đồng thì lợi nhuận thực tế chỉ còn 1.000 tỷ đồng. Nếu khi ghi nhận lợi nhuận 3.000 tỷ đồng mà ngân hàng vội chia cho cổ đông thì sẽ rất nguy hiểm. Với Eximbank, lợi nhuận bền vững mới là mục tiêu.

Mặc dù vậy, ông Dũng thừa nhận, ngân hàng phải có lợi nhuận, không thì cũng “chết”. Và khi kiểm soát quá chặt, khiến tín dụng không tăng được thì nguy cơ thua lỗ sẽ đến, nhất là trong bối cảnh biên lợi nhuận cho vay thấp như hiện nay. Biên lợi nhuận thấp là do lãi suất huy động thực tế đôi khi không thấp hơn mức trần quy định, nhất là với các khoản tiền gửi lớn. Chẳng hạn, với khoản tiền gửi 1.000 tỷ đồng, lãi suất thường phải từ 7% - 8,5%/năm. Với mức lãi suất như vậy, mỗi năm ngân hàng phải trả cho người gửi tiền khoảng 85 tỷ đồng. Vì thế, nếu không cho vay hoặc cho vay với biên lãi suất quá thấp, thua lỗ cho ngân hàng là khó tránh khỏi.

Từ đầu năm, các nhà băng đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng từ nguồn lợi nhuận thu được. Thế nhưng, so với cùng kỳ, nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng, kéo theo khoản dự phòng cao hơn và đó là lý do khiến lợi nhuận sụt giảm. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, đối với hoạt động ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể kỳ vọng nguồn thu từ tín dụng tăng cao. Hiện nguồn thu từ tín dụng chỉ còn chiếm 60 - 65% trong tổng thu nhập của ngân hàng, thay vì 70 - 80% như trước đây.  

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục