Bức tranh kinh tế Quảng Bình nhìn từ những dự án hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia và địa phương tại Quảng Bình đang từng bước được đầu tư xây dựng sẽ tạo đà cho chặng đường phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Cảng Hòn La - cửa ngõ ra biển Đông trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây qua Quảng Bình Cảng Hòn La - cửa ngõ ra biển Đông trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây qua Quảng Bình

Chiến lược phát triển hạ tầng đối ngoại

Bức tranh phác họa về hạ tầng đối ngoại của Quảng Bình khá ấn tượng với Cảng hàng không Đồng Hới nằm trong nội đô và các trục giao thông huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, tuyến ven biển, đường Hồ Chí Minh…

Nếu chia trung bình theo diện tích bề ngang của Quảng Bình là 50 km, thì cứ 10 km lại có một tuyến đường tầm quốc gia có liên kết khu vực được đầu tư xây dựng. Vị trí địa lý đặc biệt đang mang đến nhiều cơ hội để Quảng Bình bước vào kỷ nguyên phát triển mới táo bạo, thần tốc và vững chắc.

Nhấn mạnh vai trò của hạ tầng giao thông kết nối đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: “Càng chứng kiến thực tiễn chuyển động kinh tế thành công tại các địa phương, chúng tôi càng nghiệm ra và đúc kết được những thành quả thông qua đầu tư hạ tầng. Ở thời điểm này, địa phương nào đầu tư được nhiều tuyến đường giao thông hiện đại, đồng bộ, kết nối và lan tỏa, thì địa phương đó thành công nhất trong thu hút đầu tư. Đường ngắn nhất đi đến những thành công chính là đầu tư được nhiều đại lộ để đi đến tương lai thênh thang, vững vàng hơn”.

Thực tiễn mà TS. Trần Du Lịch đề cập đang “gọi tên” Quảng Bình. Trong đó, dự án được trông đợi và kỳ vọng nhiều nhất hiện nay chính là cảng hàng không Đồng Hới.

Cảng hàng không Đồng Hới được đưa vào khai thác năm 2008 với quy mô sân bay cấp 4C. Hiện nay, tại cảng hàng không Đồng Hới có 5 hãng hàng không trong nước khai thác 3 đường bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP.HCM, Đồng Hới - Hải Phòng và 1 đường bay quốc tế thường lệ Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan).

Thời gian qua, lượng du khách đến Quảng Bình tăng đột biến, cùng với đó, tiềm năng thu hút đầu tư của vùng đất này đang được “đánh thức”, ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến Quảng Bình, khiến cảng hàng không này trở nên chật chội.

Để tạo hạt nhân lan tỏa, “mở cửa bầu trời” khoáng đạt hơn, Quảng Bình đã đề xuất nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới và quyết tâm này của địa phương đã được Chính phủ đồng tình, các bộ, ngành Trung ương ủng hộ. Cụ thể, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công Dự án Đầu tư, xây dựng Nhà ga hành khách T2 trong năm 2022. Nếu ACV không đủ điều kiện khởi công, thì Quảng Bình sẽ thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, khi sân bay Đồng Hới có nhà ga tốt, nhiều tuyến từ Quảng Bình qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hoặc một số nước châu Âu sẽ được mở ra, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình phát triển.

Sau khi đáp xuống sân bay Đồng Hới, các doanh nhân, nhà đầu tư và du khách có thể di chuyển trên những tuyến giao thông huyết mạch đã và đang được xây dựng. Đó là cầu Nhật Lệ 2, Quốc lộ 1, Tỉnh lộ 565, đường từ thị trấn Hoàn Lão đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường nối Khu công nghiệp Hòn La với Khu công nghiệp Tiến Hóa - Châu Hóa - Văn Hóa, hệ thống đường Hồ Chí Minh nhánh Đông...

Quay lại với bài toán hạ tầng của Quảng Bình, phải thừa nhận, địa phương này đã có những đổi thay nhanh chóng trong chiến lược, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tận dụng, khai thác tốt nguồn lực xã hội hóa. Nhờ vậy, hạ tầng đang ngày càng hiện đại, đồng bộ, chờ cơ hội khớp nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bên cạnh đó, ngay đầu năm 2022, Quảng Bình đã khởi công xây dựng đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy). Tổng chiều dài đường ven biển và cầu là 85,4 km, liên kết chặt chẽ các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới, tạo nên sự kết nối đô thị liên hoàn, thông thương kinh tế liền mạch. Không những thế, tuyến này còn liên kết với trục Nam tỉnh Hà Tĩnh và đường ven biển tỉnh Quảng Trị theo chủ trương liên kết vùng, khu vực và cả nước.

Nhìn vào vị trí chiến lược của cảng hàng không Đồng Hới, TSKH - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cảng hàng không này có nét tương đồng với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đó là nằm trong nội đô, gần biển. Đây là lợi thế cạnh tranh vượt trội về hạ tầng giao thông của Quảng Bình mà rất ít địa phương có được. Bên cạnh đó, trong tương lai, Quảng Bình cần tính đến quy hoạch đô thị sân bay, một loại hình đô thị đang rất thành công ở các nước phát triển.
Nhìn vào vị trí chiến lược của cảng hàng không Đồng Hới, TSKH - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cảng hàng không này có nét tương đồng với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đó là nằm trong nội đô, gần biển. Đây là lợi thế cạnh tranh vượt trội về hạ tầng giao thông của Quảng Bình mà rất ít địa phương có được. Bên cạnh đó, trong tương lai, Quảng Bình cần tính đến quy hoạch đô thị sân bay, một loại hình đô thị đang rất thành công ở các nước phát triển.

Liên kết, đồng bộ hạ tầng đối nội

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hạ tầng đối nội, nhất là hạ tầng đô thị thời gian qua ghi nhận bước đột phá trong đầu tư của Quảng Bình. Hệ thống đô thị trên toàn tỉnh đạt gần 30% với 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Từ những trục xương sống (Quốc lộ 1, tuyến ven biển, đường Hồ Chí Minh), Quảng Bình đã đầu tư hệ thống hạ tầng xương cá liên kết các vùng, khu vực, đô thị nội tỉnh; liên kết các địa điểm, địa danh du lịch nổi tiếng từ miền núi (Phong Nha - Kẻ Bàng) xuống đồng bằng (Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các điểm tham quan) và kết nối đến các khu nghỉ dưỡng ven biển, các bãi biển đẹp, hoang sơ…

Nhờ sự đồng bộ, liên kết và liên hoàn hạ tầng, Quảng Bình dần trở thành “thỏi nam châm” thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Một số dự án lớn nổi bật trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng gồm: khu nghỉ dưỡng Pullman, Mövenpick, TMS Resort, Sandy Hills, Melia, Wyndham, tổ hợp dự án biệt thự, khu nghỉ dưỡng, giải trí của Tập đoàn FLC ven biển 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, các dự án nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại tại đô thị thị xã Ba Đồn.

Để Quảng Bình phát triển xứng tầm hạt nhân, trung tâm kinh tế du lịch, công nghiệp, năng lượng… của khu vực duyên hải Bắc Trung bộ, mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo đối với nhiều dự án hạ tầng giao thông, làm tiền đề để Quảng Bình triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.

Trong đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh (thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông) có văn bản chính thức, giao Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất với tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Quảng Bình sớm triển khai đầu tư mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên Quốc lộ 1A; phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung vốn cho Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; vốn đầu tư xây dựng tuyến đường phía Lào tới khu vực Lạ Vin; đầu tư tuyến đường 12 và cặp cửa khẩu Cha Lo - Na Phàu…

Với quyết tâm thay đổi một vùng đất theo hướng phát triển đi lên của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, của địa phương và sự đồng thuận của người dân, hy vọng, trong tương lai không xa, người dân Quảng Bình có thể ngước lên bầu trời, dõi mắt theo từng cánh bay cất cánh - hạ xuống đường băng, mang đến những niềm vui, thành quả từ bạn bè trong nước và quốc tế…

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục