Bức tranh hoàn hảo khi gọi vốn của start-up

Từ những thương vụ đầu tư và M&A mà start-up người Việt đã thành công như Misfit, Got It, Foody, Appota hay Toong Co-working Space, chúng ta có thể tự tin về những điểm sáng tiếp theo trong bức tranh về “danh mục đầu tư” này.
Bức tranh hoàn hảo khi gọi vốn của start-up

Sự nỗ lực của Chính phủ gần đây trong việc dự thảo và ban hành những chính sách mới hỗ trợ start-up cũng là tín hiệu cho thấy xu hướng đón đầu làn sóng đầu tưmạnh mẽ vào start-up trong thời gian sắp tới của Việt Nam. Tuy nhiên, việc bứt lên mạnh mẽ của start-up Việt hay chỉ là “tiếng gọi của phong trào” thì chính start-up mới là người có khả năng quyết định.

Sự am hiểu về việc gọi vốn và các bên có sự chuẩn bị một cách chuyên nghiệp sẽ mang đến bức tranh gọi vốn đầu tư đẹp đẽ. Quan hệ hợp tác giữa nhà đầu tư và start-up cần có những điểm xuất phát là “luật chơi” được thiết lập do ý chí các bên và điểm đến là giá trị mà các bên nhận lại từ thương vụ đầu tư tốt.

1. Các start-up cần có cái nhìn tổng thể về “con đường gọi vốn” của mình. Con đường đó bắt đầu từ khi mới bắt đầu có ý định gọi vốn cho đến khi thoái vốn hoàn toàn để có được những kết quả tốt nhất. Phải trả lời cho được các câu hỏi trong phần “chiến lược tiếp nhận vốn và phát triển” cho từng giai đoạn của start-up: “gọi vốn để làm gì?” “lộ trình gọi vốn và phát triển thế nào?” hay “chia sẻ quyền lợi với nhà đầu tư ra sao?”

2. Start-up mong muốn nhận vốn đầu tư để tăng trưởng mạnh là những start-up chính trực, rõ ràng và sòng phẳng với nhà đầu tư. Start-up biết tôn trọng “luật chơi” và có tính cam kết. Tất nhiên, nhà đầu tư vào start-up nên là các “thiên thần”, họ cần biết đây là danh mục đầu tư chịu rủi ro cao và có nhiều tính đặc thù về khả năng sinh lợi từ vốn đầu tư so với các hạng mục đầu tư khác.

3. Các bên cần thẩm định nhau và trung thực với nhau ngay từ đầu, từ đó thỏa thuận đầu tư rõ ràng và chặt chẽ, không cài cắm điều khoản hay có những mánh khóe trong quá trình thương thảo hay thực hiện hợp đồng. Bởi start-up không phải là một bên đối tác thuần túy có đủ các cố vấn hay luật sư để bảo vệ họ trước nhà đầu tư, trừ khi đó là các start-up đã đủ lớn và tìm các nhân sự cao cấp hỗ trợ mình cho các vòng gọi vốn sau này.

4. Start-up đàm phán với một tâm thế mở và cân bằng với nhà đầu tư, chứ không phải là một bên trong thế “cửa dưới”. Nhà đầu tư là đối tác, chứ không phải là “ông chủ” để áp đặt những luật lệ và “hạnh họe” với start-up. Họ nên là những người bạn để giúp đồng tiền đầu tư sinh sôi nảy nở.

Để có được điều này, việc start-up tạo ra những lợi thế mang tính đối trọng là cần thiết để linh hoạt xử lý trong trường hợp có vướng mắc với nhà đầu tư. Chỉ có các thiết lập “luật chơi” sòng phẳng ban đầu để đôi bên cùng có lợi mới giúp start-up dễ dàng hợp tác với nhà đầu tư để cùng phát triển.

5. Start-up thường bị giới hạn về mặt tài chính hoặc chưa có ý định về vai trò hậu thuẫn từ đội ngũ chuyên gia tư vấn chiến lược, luật sư, cố vấn tài chính như phía nhà đầu tư. Họ phải tự học, tự trang bị các kiến thức nền tảng cho mình.

Ở cấp độ cao hơn, start-up tự thiết lập một sân chơi phù hợp và mời nhà đầu tư vào… chơi cùng. Tìm kiếm sự hỗ trợ không thường xuyên từ những cố vấn giàu kinh nghiệm, đặc biệt là về quản trị công ty, pháp lý và tài chính trong những vòng gọi vốn đầu tiên là một hướng đi phù hợp.

6. Kinh doanh là không tranh chấp, đầu tư cũng vậy. Start-up sau khi nhận vốn sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết, áp lực hơn với những thử thách cao hơn. Nếu vượt qua, họ sẽ thành công sau khi gọi vốn và ngược lại. Khi có bất kỳ xung đột nào, hãy xem đó là vướng mắc và các bên tháo gỡ bằng các thương lượng hợp lý vì sự phát triển của start-up trên nguyên tắc cam kết đầu tư ban đầu.

7. “Nét vẽ” đẹp nhất trong một thương vụ đầu tư vào start-up là việc nhà đầu tư thoái vốn thành công cho một nhà đầu tư mới, hoặc công ty lớn mạnh và niêm yết thành công ty đại chúng, hoặc bán đi toàn bộ với giá trị khủng. Đó là mục tiêu của đầu tư, nhưng các bên cũng cần lường trước các rủi ro gặp phải để nếu có thất bại thì cũng không bên nào phải chịu tổn thất quá lớn.

Tuấn Minh – Văn Lộc (Tổ hợp LP Group)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục