Bức tranh bán niên và triển vọng dòng tiền quý III

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp ngành thép, xuất khẩu thủy sản, vật liệu xây dựng... đã công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý II và nửa đầu năm. 
Trong ngành bất động sản, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan

Nhưng ngược lại, ngành bất động sản được chờ đợi thông tin khả quan thì lác đác những doanh nghiệp công bố sớm lại có lợi nhuận âm. Thông tin được coi có tác động mạnh nhất đến giá cổ phiếu thời điểm này liệu có nhiều diễn biến bất ngờ?

Có lẽ do kết quả kinh doanh khả quan mà 11 doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính quý II/2016 sớm hơn khá nhiều so với thông lệ và so với cả các ngành khác. Trong đó, đa số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh, đặc biệt có những doanh nghiệp ghi nhận mức lãi kỷ lục.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có doanh thu quý II đạt 8.048 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ đạt 2.030 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG lãi ròng 3.050 tỷ đồng. Lãnh đạo HPG cho biết, đây là quý có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong lịch sử hoạt động của Tập đoàn.

Tương tự, Thép Nam Kim (NKG) có mức tăng trưởng doanh thu lớn nhất 65% so với cùng kỳ, đạt 2.175 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 237 tỷ đồng, gấp 5,2 lần quý II năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp đạt 359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt kế hoạch cả năm đặt ra là 300 - 350 tỷ đồng. Thép Thái Nguyên (TIS) đạt doanh thu 2.041 tỷ đồng, lợi nhuận trên 110 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ hơn 3 tỷ đồng cùng kỳ. Thép Tiến Lên đạt doanh thu quý II chưa đến 900 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 107 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần cùng kỳ. Ở quy mô nhỏ hơn, Thép Việt Đức (VGS) đạt 677 tỷ đồng doanh thu công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế quý II đạt 14 tỷ đồng.

Vậy nguyên nhân nào giúp các doanh nghiệp ngành thép có kết quả khả quan như vậy?

Trong quý II, thị trường đã xôn xao thông tin về việc Bộ Công thương áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu, khiến cho nhiều doanh nghiệp thép trong nước được hưởng lợi, giá bán tăng, sản lượng tiêu thụ tăng. Đây cũng là câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo HPG trong buổi gặp gỡ giới phân tích và nhà đầu tư mới đây.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG không trả lời thẳng vào câu hỏi này mà cho biết, lợi nhuận lớn của doanh nghiệp đến từ nhiều yếu tố. Trước hết là nhờ HPG đã đầu tư sâu, sử dụng công nghệ hiện đại và thiết lập được chuỗi các công đoạn khép kín trong sản xuất. Bên cạnh đó, từ đầu quý II, doanh nghiệp đã mạnh dạn nhập lượng lớn quặng với giá rẻ về tích trữ. Khi thị trường nguyên liệu thế giới tăng cao, HPG được hưởng lợi chênh lệch lớn. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 32% trong quý II, là mức cao lịch sử trong hoạt động của Công ty.

HPG có những lợi thế như vậy, nhưng kết quả khởi sắc lại đến với cả ngành thép, với những doanh nghiệp có đầu tư khác nhau, công nghệ khác nhau và văn hóa hoạt động khác nhau. Điều này cho thấy, suy luận về lợi ích mà các doanh nghiệp trong ngành được hưởng nhờ chiếc khiên “thuế tự vệ” không hẳn không có cơ sở.

Hai doanh nghiệp thủy sản thuộc Top lớn nhất thị trường cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 với thông tin rất lạc quan. CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đạt doanh thu trên 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 206 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 134% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của VHC là 306 tỷ đồng, đạt trên 87% kế hoạch năm. Nếu VHC tiếp tục đà khởi sắc như vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp này bảo vệ được vị thế doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất về kim ngạch, theo xếp hạng của Tổng cục Hải quan. Bám sát là CTCP Hùng Vương  (HVG) với khoản lãi 226 tỷ đồng trong quý III niên độ tài chính (tháng 9/2015 - tháng 9/2016), gấp 17,4 lần cùng kỳ niên độ trước.

Những ngành có kết quả khả quan với các doanh nghiệp công bố ban đầu còn có vật liệu xây dựng như “họ” Viglacera, VCS Stone; dệt may với TNG, Dệt may Thành Công, Việt Tiến; “họ” ngân hàng; “họ” công ty chứng khoán...

Ngành ôtô được dự báo tiếp tục khó khăn khi tới đây thị trường còn nới rộng cho ôtô Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngành thép có triển vọng với đà hồi phục của thị trường bất động sản nhưng đã có dấu hiệu chững lại từ cuối quý II. 

Tuy nhiên, không phải nhóm ngành nào cũng có niềm vui lớn như vậy. Doanh nghiệp ôtô đang ở cơn bĩ cực với kết quả của hầu hết doanh nghiệp đều giảm mạnh. Quý II/2016, CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) ghi nhận doanh thu giảm 70%, về mức 456 tỷ đồng. Biên lãi gộp của công ty này chưa đến 4%, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 11%. Lãi hợp nhất quý II của HHS chỉ đạt 27,6 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. CTCP Kỹ thuật và Ôtô Trường Long (HTL) cũng không khá hơn khi doanh thu trong quý II chỉ đạt hơn 316 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng gần 13 tỷ đồng, giảm hơn 70%. Với CTCP Ôtô TMT (TMT), doanh thu thuần quý II/2016 đạt gần 733 tỷ đồng và lãi ròng hơn 29 tỷ đồng, lần lượt giảm 37% và 66% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp ôtô đã giảm liên tục từ giữa năm ngoái. Nguyên nhân được giải thích là do sức mua trên thị trường suy yếu do chủ yếu doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực xe chuyên biệt như xe tải, đầu kéo, xe chuyên dụng... 

Nhóm ngành vận tải biển cũng chưa thoát khỏi cảnh ảm đạm. Ví dụ điển hình là CTCP Vận tải Biển Bắc (NOS) đạt doanh thu thuần hơn 47,7 tỷ đồng hợp nhất quý II/2016, giảm 19% so với cùng kỳ 2015, tiếp tục lỗ 114 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, NOS đạt tổng doanh thu 83,8 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ 2015, lỗ gần 209 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên chủ yếu do giá cước sụt giảm đến 90%, nguồn hàng khan hiếm khiến đội tàu rơi vào tình trạng thu không đủ bù đắp chi phí thiết yếu.

Gây bất ngờ trên thị trường là kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bất động sản ra báo cáo sớm. Đơn cử, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) có doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 453 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự gia tăng trong doanh thu bán thành phẩm. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, TDC vẫn lỗ gần 29 tỷ đồng. CTCP Đầu tư địa ốc Khang An (KAC) chỉ đạt doanh thu 4,9 tỷ đồng, lỗ xấp xỉ 2 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng Công ty lỗ gần 3,3 tỷ đồng, trong khi kế hoạch năm 2016 Công ty dự kiến lãi 15,6 tỷ đồng.

Cũng không phải cứ nhóm ngành nào khởi sắc, các doanh nghiệp trong ngành đều đồng loạt có kết quả kinh doanh khả quan. Chẳng hạn, nhóm ngành chứng khoán, nhiều công ty công bố lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, đặc biệt trong quý II khi tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 187.700 tỷ đồng, tăng 37.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

CTCK MB (MBS) là ví dụ, doanh thu hoạt động quý II của MBS tăng 16% lên 111 tỷ đồng, nhưng do chi phí hoạt động tăng mạnh hơn với 41% lên 68 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng tăng 41% lên 29 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng vọt từ 0,7 tỷ lên 18 tỷ đồng, khiến Công ty lỗ hơn 1 triệu đồng trong quý II/2016, trong khi con số này cùng kỳ năm trước lãi gần 27 tỷ đồng.

Tỷ lệ thuận với kết quả hoạt động của các doanh nghiệp là biến động giá cổ phiếu trên sàn, trong đó thị trường ghi nhận nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh cũ, như VCB, VCS, VHC… Ngược lại, nhóm cổ phiếu ôtô giảm giá mạnh, nhiều mã xuống dưới mệnh giá.

Khi thông tin đã phản ánh vào giá cổ phiếu hiện tại, đâu sẽ là động lực mới được kỳ vọng nâng đỡ thị trường? Trước hết, đó là triển vọng và khả năng thực hiện kế hoạch nửa cuối năm của các doanh nghiệp. Cho đến thời điểm này, ngành ôtô được dự báo tiếp tục khó khăn khi tới đây thị trường còn nới rộng cho ôtô Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngành thép có triển vọng với đà hồi phục của thị trường bất động sản nhưng đã có dấu hiệu chững lại từ cuối quý II. Nhu cầu trên thị trường, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, đã giảm 24% trong tháng 6 so với tháng trước đó.

Dòng tiền sau khi tập trung vào những nhóm ngành triển vọng đẩy một số mã cố phiếu “chọn lọc” tăng mạnh trong 2 tháng gần đây, nhiều khả năng sẽ tìm kiếm tiếp những mã vẫn cùng nhóm ngành tăng trưởng, nhưng còn khá “bình lặng” trong cơn sóng lập đỉnh của VN-Index lên mức cao nhất trong 8 năm qua.

Hoàng Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục