Việc CPH thành công các tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam... đang góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch CPH 432 DN trong giai đoạn 2014 - 2015 như Chính phủ đã xác định. Đằng sau thành công này có sự đóng góp của các nhà tư vấn, trong đó có CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - mã chứng khoán BSI trên HOSE) - nhà tư vấn của các thương vụ IPO “khủng”.
Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là tập đoàn đầu tiên IPO và CPH thành công. Với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, cùng với lượng tài sản lớn, có cấu trúc phức tạp với 52 công ty con và công ty liên kết…, việc Vinatex CPH thành công đã tạo điểm nhấn mạnh mẽ trên TTCK sơ cấp.
Một thương vụ IPO khổng lồ khác thu hút đông đảo sự quan tâm, tham gia của giới đầu tư trong và ngoài nước là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), với vốn điều lệ lên tới 14.101 tỷ đồng.
Vinatex và Vietnam Airlines là hai doanh nghiệp đầu ngành, có quy mô vốn và tài sản lớn, cấu trúc tài sản phức tạp…, việc CPH thành công các doanh nghiệp này đòi hỏi quy mô và tầm vóc của nhà tư vấn phải tương xứng cả về uy tín, chất lượng dịch vụ lẫn năng lực tài chính. Bởi phương án CPH không chỉ dừng lại ở đảm bảo IPO thành công, để chuyển đổi các doanh nghiệp này từ công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đa sở hữu, mà còn hoạch định chiến lược phát triển đường dài hậu CPH cho các “ông lớn” này. Đây cũng là bài toán khó với những nhà tư vấn được Vinatex, Vietnam Airlines lựa chọn.
Nhiều đòi hỏi khắt khe là vậy, nhưng có một điều khá bất ngờ là nhà tư vấn/đồng tư vấn CPH, IPO cho cả Vinatex và Vietnam Airlines là BSC. Trong đó, BSC là nhà tư vấn độc quyền cho Vinatex IPO thành công.
Đối với Vietnam Airlines, BSC là nhà thầu tư vấn duy nhất trong nước tham gia tư vấn CPH, IPO cho tổng công ty này. Vietnam Airlines là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, mà như phát biểu của Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, là việc xác định giá trị doanh nghiệp của Vietnam Airlines để CPH chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nên cả Ban chỉ đạo CPH lẫn đơn vị tư vấn phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Việc BSC thành công trong chinh phục thách thức nêu trên không chỉ góp phần giúp Vietnam Airlines IPO thành công, mà còn giúp BSC trưởng thành về nhiều mặt, để tự tin hơn trong triển khai các hợp đồng tư vấn CPH, IPO trong thời gian tới, với quy mô “khủng” hơn.
Để trở thành nhà tư vấn phát hành chứng khoán vốn uy tín hàng đầu trên thị trường, khi thực hiện thành công các hợp đồng tư vấn CPH, IPO cho Vinatex và Vietnam Airlines, sắp tới là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong chiến lược phát triển của mình, BSC xác định mảng nghiệp vụ ngân hàng đầu tư đóng vai trò trọng yếu, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Công ty so với các CTCK khác, cũng như mang lại sức cạnh tranh bền vững trên thị trường thu xếp vốn.
Mảng nghiệp vụ này được BSC dày công xây dựng từ đào tạo đội ngũ nhân sự trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực mình phụ trách, đến sáng tạo trong thiết kế các sản phẩm, dịch vụ, cũng như tiếp cận khách hàng, để mang lại giá trị gia tăng tối ưu cho khách hàng.
BSC, nhà tư vấn gắn liền với các thương vụ CPH, IPO thuộc hàng lớn nhất tại Việt Nam, còn được biết đến là CTCK luôn có mặt trong nhóm các CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu cao nhất trên thị trường. Đồng thời, theo dữ liệu của Sở GDCK Hà Nội (HNX), sau khi giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới trái phiếu trên HNX trong năm 2013, 9 tháng đầu năm 2014, BSC giữ vững ngôi vị này trong nhóm 3 CTCK có thị phần môi giới trái phiếu và tín phiếu lớn nhất trên HNX.