BSC dự báo VN-Index có thể trở lại vùng 1.100 - 1.150 điểm và điểm tên một số nhóm ngành triển vọng trong tháng 6

(ĐTCK) Dù chưa thoát khỏi xu hướng giằng co, tích luỹ, nhưng BSC cho rằng thị trường vẫn tăng trưởng cả về điểm số lẫn thanh khoản. Sang tháng 6, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng điểm và trở lại vùng 1.090 - 1.150 điểm.

2 kịch bản VN-Index trong tháng 6

Kịch bản 1: Trong bối cảnh khó khăn trong nước cũng như tình hình vĩ mô trên thế giới còn nhiều bất ổn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý II được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn sau khi nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng được thông qua và các chính sách dần được thẩm thấu vào nền kinh tế.

VN-Index kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng điểm tốt từ tháng 5/2023 để quay trở lại vùng 1.100 - 1.150 điểm cùng thanh khoản tiếp tục được cải thiện bên cạnh diễn biến của khối ngoại tích cực hơn sau khi bán ròng liên tiếp 2 tháng gần nhất đặt trong bối cảnh thế giới không có các sự kiện quá tiêu cực.

Kịch bản 2: FED được dự báo có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt khi khả năng tiếp tục tăng thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6/2023 đang ở mức khá cao. Mặt khác, các rủi ro trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vẫn khó lường khi môi trường lãi suất cao chưa có dấu hiệu hạ nhiệt điều này có thể khiến khối ngoại và các ETF chủ đạo trong nước có thể sẽ tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng.

Bên cạnh đó, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn, VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.050 - 1.060 điểm và tích lũy ổn định.

Trong kịch bản tích cực, BSC dự báo P/E VN-Index sẽ vận động trong vùng 14,5 - 15x. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,6 - 0,7 tỷ USD/phiên trong kịch bản hướng đến vùng 1.090 - 1.110 điểm.

Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tháng 6

BSC cho rằng, nhà đầu tư cần theo dõi đến việc quốc hội ban hành nghị quyết về các vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, giảm thuế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tạo cơ sở tiền đề để hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong tháng 5, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sau quyết định hạ lãi suất điều hành, Chính phủ đã yêu cầu NHNN quyết liệt chỉ đạo giảm lãi suất cho vay. NHNN đã ban hành chỉ thị 02 cơ cấu thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến dòng tiền khối ngoại, kỳ cơ cấu danh mục của các ETF ngoại có quy mô lớn (FTSE, Vaneck) bên cạnh trạng thái mua/bán ròng của các ETF chính khác trên thị trường sẽ có tác động đến thanh khoản, xu hướng.

Với quốc tế, thỏa thuận tạm thời về trần nợ công đạt được vào ngày 27/5 tại Hoa Kỳ phần nào làm xoa dịu tâm lý lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn tuy nhiên trong cuộc họp tháng 6sắp tới nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đạt được mục tiêu lạm phát đã đề ra.

Ở Trung Quốc, nền kinh tế có dấu hiệu mất đà sau sự bùng nổ trong quý I/2023, sau khi các số liệu vĩ mô gần nhất không được như kỳ vọng, bên cạnh mối lo đổ vỡ tại một số doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng, khiến động lực tăng trưởng kinh tế cho khu vực và thế giới bị cắt giảm triển vọng.

Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukrane tiếp tục căng thẳng khi Tổng thống Nga cho rằng Ukrane đang đe doạ người dân Nga khi các cuộc tập kích liên tiếp xảy ra tại Moscow. Động thái leo thang căng thẳng khi Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO vào tháng 4/2023 và Thụy Điển được phê chuẩn tư cách thành viên trước hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ gây tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn khu vực và thế giới.

Trước những dự báo, thông tin sự kiện trên, BSC tiếp tục khuyến nghị một số nhóm ngành trong tháng 6 gồm: nhóm cổ phiếu đầu tư công; nhóm tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin; nhóm năng lượng, tiện ích. Trong thời điểm các ETF diễn ra đợt cơ cấu, nhà đầu tư cần chú ý quan sát, đồng thời tiếp tục theo sát diễn biến của khối ngoại.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục