Broker trước sóng gió thị trường

(ĐTCK) Lương kinh doanh giảm, thậm chí cắt, thị trường giao dịch èo uột, không ít môi giới ngồi chơi là tình trạng xảy ra với bộ phận môi giới của nhiều CTCK.
Broker trước sóng gió thị trường

Một số môi giới (broker) chán nản muốn nghỉ việc, nhưng không phải muốn là được.

Chán nản

Nghe có vẻ “phũ phàng”, nhưng đó là tâm sự của khá nhiều broker trong thời điểm hiện tại. Một broker hành nghề được 6 năm than thở với ĐTCK, “suốt một năm nay (ngoại trừ sóng đầu năm 2012), số lượng khách hàng giao dịch ít, giá trị giao dịch nhỏ, triển vọng thị trường chưa rõ ràng, thu nhập thì giảm sút nghiêm trọng, lương không đủ chi tiêu”. Thực tế, tình trạng phòng giao dịch trống vắng là phổ biến, nhân viên chứng khoán nhiều hơn khách hàng. Một số diễn đàn “xôm tụ” về chứng khoán như F319 hiện cũng không còn sôi động, ít người bình luận.

Lý giải về việc tại sao chán nản với nghề chứng khoán, muốn bỏ nghề mà không bỏ được, broker này cho biết, không chỉ môi giới, mà các vị trí lãnh đạo trong công ty cũng không dễ dàng nghỉ việc, vì liên đới đến trách nhiệm đối với CTCK. Thời gian trước, nhiều CTCK cho sử dùng đòn bẩy tài chính cao và hậu quả để lại cho đến thời điểm này là nhiều broker đang ký nhận nợ đối với CTCK, ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản đầu tư của cá nhân broker, chưa kể những khách hàng có liên quan. Chính vì vậy, các broker vẫn phải cố làm việc tại CTCK để lấy thu nhập trả nợ.

Broker trước sóng gió thị trường ảnh 1

Thu nhập của bộ phận môi giới hiện tại khá “phập phù”, lương cơ bản dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng

“Rất ít broker đơn thuần làm nghề mà không đầu tư chứng khoán. Thực tế, từ trước tới nay, broker nào cũng nghĩ phải đầu tư mới tư vấn được cho khách hàng và chết là ở chỗ đó, khi TTCK suy giảm kéo dài như hiện nay. Không biết đến bao giờ mới trả được khoản nợ đang treo ở CTCK”, một broker than thở.

Thời gian gần đây, không ít broker tự kiếm nghề tay trái cho mình để tạo thêm thu nhập như mở shop thời trang, quán ăn, cafe, nhưng vẫn không bỏ việc tại CTCK. Hiện tại, thu nhập từ nghề chính chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng, nhưng broker vẫn phải cố giữ lấy “chỗ”, để khi thị trường sôi động trở lại còn có “cửa” làm ăn.

Dù không phổ biến, nhưng tại một số CTCK hiện nay đã xảy ra tình trạng môi giới dẫn khách cho CTCK khác, do CTCK khác có cơ chế chính sách về sản phẩm “thoáng” hơn dành cho khách hàng. Đặc biệt, broker được công ty đó thỏa thuận trả hoa hồng xứng đáng khi giới thiệu khách hàng. Nhiều broker cho rằng, đây là cách làm thêm hợp pháp.

 

Chuyển dịch broker

Nếu là các broker cứng trong nghề, sẽ rất hiếm gặp trường hợp môi giới này làm duy nhất cho một CTCK, nên tình trạng chuyển dịch nhân sự tại CTCK diễn ra khá phổ biến.

Một broker chia sẻ, ba tháng trước, anh làm trưởng nhóm môi giới cho CTCK A, nhưng nay đã là trưởng phòng môi giới của CTCK B. Anh có 6 năm tuổi nghề, nhưng đã làm việc tại 4 CTCK, trong đó có CTCK đã đi rồi lại quay trở lại.

Xét về số lượng, đối với các CTCK lớn thì nhân sự môi giới tương đổi ổn định, nhưng bản thân các CTCK này cũng phải có những “ưu đãi” đủ hấp dẫn để níu chân các broker giỏi. Ngoài nhân viên chính thức, thời gian gần đây, nhiều CTCK đăng tuyển cộng tác viên có tiềm năng lôi kéo khách hàng về cho công ty. Đối với các cộng tác viên, sau một thời gian làm việc khoảng 3 - 6 tháng, nếu có chứng chỉ hành nghề sẽ được CTCK tuyển dụng. Một số CTCK nhỏ vẫn thu hút được nhân viên môi giới từ các CTCK lớn bằng cách ngoài trả lương cơ bản ra thì họ trả lương doanh thu với tỷ lệ phần trăm cao hơn.

Mặc dù vậy, thu nhập của bộ phận môi giới hiện tại khá “phập phù”, lương cơ bản dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, lương kinh doanh được tính theo lũy tiến phí giao dịch thu được từ khách hàng. Broker cũng nhận thức được việc làm thế nào thì hưởng thế đấy. Thế nhưng, họ vẫn thích “nhảy nhót”. Lý giải về điều này, một số broker cho rằng, việc chuyển sang CTCK khác là do CTCK hiện tại có cơ chế chính sách quá chán, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, hoặc từ những gợi ý của khách hàng như “nếu chú chuyển sang CTCK này thì anh sẽ theo chú và chuyển tài khoản về bên đó”. Có broker thì nghĩ rằng, họ chưa hợp mệnh với lãnh đạo công ty, nên phải “giải đen” bằng cách chuyển qua nơi mới có phong thủy tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu để ý sự dịch chuyển môi giới giữa các CTCK có thể thấy, chuyển dịch lớn xảy ra ở các CTCK trước đây cho sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều và có các chế độ chính sách tốt, giờ thắt chặt lại làm cho khách hàng không hài lòng và môi giới cũng vì thế mà chuyển sang CTCK khác có chính sách tốt hơn. Một số CTCK như VND, MBS, VPBS… vẫn đang có nhu cầu tuyển broker về làm việc.

 

Ranh giới đạo đức nghề nghiệp

Hiện tại, một môi giới được CTCK nhận vào làm việc thường phải qua 1 - 3 tháng thử việc, không được hưởng lương cơ bản, chỉ được hưởng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên phí giao dịch của khách hàng. Sau đó, nếu đạt được giá trị giao dịch tối thiểu 3 - 5 tỷ đồng mỗi tháng, tương ứng với 6 - 15 triệu đồng phí giao dịch thu về cho CTCK, thì sẽ được công ty ký hợp đồng làm việc chính thức. Dễ hiểu tại sao, đối với các broker, ranh giới đạo đức nghề nghiệp và mục tiêu đạt doanh số lại mong manh đến vậy.

“Giờ nếu không hô hào khách giao dịch thì không đủ định mức đối với CTCK, mà tư vấn cho khách hàng đầu tư sai thời điểm thì ít nhiều vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chưa kể phải kiếm thêm thu nhập để trả nợ”, một broker tâm sự.

Khó khăn, áp lực trả nợ cho những khoản đầu tư thua lỗ của bản thân, một số broker đã “phá rào”, khiến cho bức tranh thị trường xấu thêm. Ngày càng nhiều nhà đầu tư kêu cứu khi phát hiện ra tài khoản tiền hoặc chứng khoán của mình bị nhân viên môi giới lạm dụng. Hiện tại, số nhân viên môi giới có chứng chỉ hành nghề chỉ khoảng 400 người, trong khi số môi giới thực tế hoạt động cao hơn gấp vài lần.

Một chuyên gia nhìn nhận về tình trạng môi giới lạm dụng tài khoản của nhà đầu tư thời gian qua, vì túng quẫn, một số môi giới đã “hô biến” tài khoản của nhà đầu tư để giải quyết vấn đề nợ nần cá nhân. Những vi phạm như tự ý rút tiền, chuyển chứng khoán từ tài khoản này sang tài khoản khác, tự ý dùng tài sản của khách hàng để cầm cố… vẫn diễn ra mà nhà đầu tư có biết cũng chưa biết làm cách gì để lấy lại được.

Tuy nhiên, không phải nhân viên môi giới nào cũng làm những việc trái đạo đức nghề nghiệp như vậy, nó chỉ như “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến những broker chân chính, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết.

Như một chu kỳ đã được lập trình sẵn, khi thị trường tốt, giao dịch gia tăng, cả khách hàng và môi giới đều được hưởng lợi. Còn khi thị trường xấu thì mọi việc đi theo chiều hướng ngược lại, không trừ một ai.

Hải Vân
Hải Vân

Tin cùng chuyên mục