British Airways sẽ lập hãng bay giá rẻ mới, tấn công thị trường châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Hãng hàng không Vương quốc Anh British Airways đang lên kế hoạch ra mắt một hãng bay mới chuyên về các chặng ngắn giá rẻ để cạnh tranh với Ryanair và EasyJet.
Một chiếc Airbus A380 của British Airways chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Heathrow. Ảnh: AFP Một chiếc Airbus A380 của British Airways chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Heathrow. Ảnh: AFP

Ngành hàng không châu Âu đang có bước phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Trong một thông báo gửi nhân viên được website du lịch Headforpoints.com đăng tải, Giám đốc điều hành British Airways, ông Sean Doyle cho biết hãng hàng không này đang lên kế hoạch đưa một "công ty con mới hoạt động" hòa vào mạng lưới đường bay dài hiện có của hãng này tại Gatwick - sân bay lớn thứ hai của London.

Giám đốc điều hành British Airways cho biết thêm rằng hãng bay mới sẽ chuyên phục vụ các chặng bay ngắn "có tính cạnh tranh cao" xuất phát từ sân bay Gatwick từ mùa hè năm 2022.

Một phát ngôn viên của British Airways nói trên đài CNN rằng hãng hàng không này đang làm việc với các tổ chức lao động "về các đề xuất bay chặng ngắn tại sân bay Gatwick", nhưng từ chối bình luận thêm.

Đây không phải là phát súng đầu tiên của British Airways về phát triển hãng bay chuyên đảm nhiệm các chặng bay ngắn đến châu Âu. Trên thực tế, vào năm 1998, British Airways đã cho ra đời hãng hàng không giá rẻ Go Fly, hoạt động tầm ngắn từ sân bay Stansted của London đến nhiều điểm đến khắp "lục địa già". Nhưng 4 năm sau, Go Fly bị mua lại bởi đối thủ EasyJet - hãng hàng không lớn nhất hoạt động bên ngoài Gatwick.

Việc thành lập hãng bay tầm ngắn giá rẻ mới có thể rất quan trọng đối với tập đoàn hàng không lớn thứ ba thế giới IAG - công ty mẹ của British Airways - trong bối cảnh tập đoàn này hứng chịu lỗ lớn trong 18 tháng qua khi hoạt động hàng không nói chung bị đại dịch đánh sập.

Tập đoàn IAG báo lỗ trước thuế 2,3 tỷ EUR (tương đương 2,7 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn ở mức thấp. Trong đó, British Airways "góp sức" lớn nhất vào mức thua lỗ của IAG, do các tuyến bay xuyên Đại Tây Dương - vốn là "con gà đẻ trứng vàng" của hãng hàng không Anh - đã bị hạn chế do dịch bệnh.

Trong khi Tập đoàn IAG đang gượng dậy từ khoản lỗ lớn, thì hai hãng bay đối thủ Ryanair và EasyJet ước tính phục hồi từ 60 - 80% lượng hành khách so với trước đại dịch ngay trong quý III này, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 45% của IAG.

Hiệp hội Phi công Hàng không Anh (BALPA) xác nhận rằng họ đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với British Airways về việc điều chỉnh lương và các điều kiện làm việc cho phi công của hãng bay mới.

Tổng thư ký Hiệp hội Phi công Hàng không Anh, ông Martin Chalk cho biết hiệp hội này "thận trọng hoan nghênh quyết định" khởi động lại đường bay ngắn của British Airways. Đại diện Hiệp hội Phi công Hàng không Anh đánh giá động thái này của British Airways sẽ "tạo ra một số việc làm mới cần thiết cho phi công”.

Các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội Phi công Hàng không Anh và British Airways về tiền lương cho phi công diễn ra trong bối cảnh chính phủ Anh Quốc đang kéo dài thực hiện Chương trình duy trì việc làm thời Covid-19 đến ngày 30/9. Điều này khiến Tập đoàn IAG lo ngại chi phí hoạt động tăng lên do tiền lương bị đẩy lên cao.

Theo Chương trình duy trì việc làm thời Covid-19, chính phủ Anh sẽ chi trả 60% tiền lương và tối đa là 1.875 bảng Anh cho số giờ làm việc mà người lao động nghỉ phép. Còn chủ sử dụng lao động phải bù thêm để đảm bảo người lao động nhận được 80% tiền lương (lên mức 2.500 bảng Anh) cho số giờ mà họ nghỉ phép.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục