Trực tiếp: Chưa đáng ngại
Những con số thống kê cho thấy nước Anh không phải là đối tác quá lớn đối với Việt Nam. Bởi vậy, nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, dư chấn Brexit sẽ không đáng ngại. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt gần 17% trong giai đoạn 2008 - 2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.
Xuất khẩu sang Anh, dù tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD trong năm 2015 và 1,7 tỷ USD trong năm tháng đầu năm 2016.
Gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác. Xuất khẩu của nhóm sản phẩm này chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp FDI đang đặt cứ điểm sản xuất ở Việt Nam, bởi thế, dòng kim ngạch này mang tính điều phối thị trường toàn cầu và không chịu tác động lẻ tẻ tầm quốc gia.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn tiếp theo đó là hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm gỗ nói chung, tuy nhiên cũng chiếm thị phần nhỏ trong toàn EU. Đơn cử, dệt may, theo số liệu của Vitas, chỉ chiếm khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành vào EU. Tương tự, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam nói rằng, thị phần vào Anh chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với EU.
Nhập khẩu từ Anh chỉ chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam. Hầu hết các mặt hàng có thể được thay thế tương đối dễ dàng nếu bất cứ điều gì xảy ra đối với các nguồn cung cấp.
Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD đã nhận xét rằng: “Những xáo động trên các thị trường nếu có sẽ là rất ngắn. Nếu cho rằng biến động của một nước Anh mà có tác động lớn đến thế giới thì rất buồn cười”.
Có những nỗi lo
Song lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu cả nước lại có góc nhìn khác. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này trong năm 2015 vào EU chỉ ở mức 9%, đứng hàng thứ 4 trong số các thị trường, trong đó tỷ trọng vào Anh ở mức thấp. Tuy nhiên, những tác động gián tiếp theo doanh nhân này mới thực sự đáng lo ngại.
Việc Anh rời EU sẽ làm đồng USD mạnh lên, gây áp lực lên các đồng tiền khác trên thế giới và cả VND. Thực tế là đầu năm 2015, cơn địa chấn trên thị trường tiền tệ thế giới đã khiến xuất khẩu của doanh nghiệp chịu tác động nặng nề. Đồng nội tệ của các quốc gia có ngành hàng cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam giảm giá mạnh so với USD, khiến hàng hóa của họ gia tăng sức cạnh tranh, hàng Việt Nam đắt đỏ hơn gần 15%, dẫn đến doanh nghiệp Việt mất bớt thị trường và khách hàng.
Vào cuối năm 2014, doanh nghiệp này tin tưởng rằng mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho năm 2015 là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, những tác động quá lớn của thị trường tiền tệ thế giới là một trong những nguyên nhân khiến cho mức thực hiện của doanh nghiệp chỉ đạt chưa đầy 70% của con số dự báo trên.
Một vấn đề quan ngại lớn hơn đối với doanh nghiệp ở chỗ, sự kiện Brexit có thể khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, với rất nhiều rào cản kỹ thuật cho hàng hóa vào các quốc gia. Đây thực sự là mối lo lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu vì chi phí để vượt qua những rào cản kỹ thuật này trong nhiều trường hợp lớn hơn rất nhiều mức thuế nhập khẩu vào các thị trường. Những yêu cầu khắt khe, như tỷ lệ dư chất kháng sinh trong hàng hóa, kiểm nghiệm mẫu… có thể được áp đặt ngày càng ngặt nghèo.
Những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ bằng ngoại tệ lớn (chủ yếu đồng USD) cũng đang lo ngại về sức ép lên tỷ giá VND. “Đây thực sự là thời gian khó khăn với kinh tế EU”, phát biểu của ông Donald Tusk, Chủ tịch EU cho thấy, EU đang lo ngại về “hậu Brexit”, về mức độ ảnh hưởng của nó đối với các thành viên khác trong lòng châu Âu, với sức khỏe của một khu vực kinh tế còn nhiều bất ổn, vừa thoát ra khỏi cơn bạo bệnh và dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vài năm qua vẫn còn, đồng EUR có thể tiếp tục mất giá mạnh. Để xuất khẩu hàng hóa được lợi, nhiều quốc gia đang nhăm nhe giảm giá đồng nội tệ của mình. Khi đồng USD tăng giá trên toàn cầu, VND sẽ chịu áp lực, Ngân hàng Nhà nước có thể phải có những điều chỉnh chính sách trong điều hành tỷ giá.
Liệu Brexit có châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính lan rộng, quy mô EU hoặc toàn cầu? Mối lo này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng theo quan điểm của tỷ phú cũng là nhà đầu tư nổi tiếng thế giới George Soros, Brexit chắc chắn sẽ có những tác động lớn. Vị tỷ phú này thậm chí còn dự báo về khả năng châm ngòi cho tình trạng bán tháo đồng bảng Anh, khiến thu nhập của nước Anh sụt giảm và tạo ra suy thoái kinh tế…
Thời gian sẽ giúp thị trường đo lường và định lượng được tác động của những cơn dư chấn bằng từng con số, nhưng trước mắt, yếu tố tâm lý đã tác động mạnh đến các thị trường tài chính toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, châu Âu đều giảm điểm mạnh, trước đó là sắc đỏ bao trùm các bảng điện tử chứng khoán châu Á.
Tại Việt Nam, tâm lý thị trường không ngoại lệ khi trong phiên giao dịch cuối tuần, có thời điểm VN - Index mất đến 34 điểm. Nhờ lực cầu tăng mạnh, tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn và về cuối phiên, thị trường đã giảm bớt mức độ căng thẳng, VN-Index mất 11,5 điểm, HNX - Index giảm 1,71 điểm. Dù vậy, thanh khoản tích cực với hơn 6.000 tỷ đồng khớp lệnh trên hai sàn (4.810 tỷ đồng tại HSX và 1.322 tỷ đồng trên HNX). Mức độ biến động của nhiều cổ phiếu lên tới cả chục phần trăm trong một phiên.
Như vậy, có thể thấy khá rõ, lá phiếu nước Anh đã tạo ra những cơn địa chấn mạnh trên toàn cầu. Rất có thể thị trường sẽ nhanh chóng tự điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới và dư chấn của Brexit sẽ nhanh chóng qua mau như kỳ vọng của nhiều người. Song với không ít doanh nghiệp, kịch bản thận trọng sẽ được xây dựng trở lại vì những tín hiệu về một thế giới với nhiều bất định đã bắt đầu.