Diễn biến này làm bùng phát sự tức giận và lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người dân, khi thời điểm Anh phải rời khỏi Liên minh vào ngày 29/3 đang đến gần.
“Đây là sự thất bại của hệ thống chính trị. Đã đến lúc Quốc hội nên ngừng gánh xiếc này lại”, Carolyn Fairbairn, Tổng thư ký Hiệp hội Các ngành công nghiệp Anh cho biết. Dễ hiểu lý do vì sao cộng đồng doanh nghiệp tại Anh trở nên bất bình, bởi Brexit đã tạo ra những ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các công ty trong thời gian qua và tương lai càng bất định hơn nữa.
Nền kinh tế chịu thiệt hại
Quyết định rời khỏi EU vào tháng 6/2016 đã tiêu tốn của nước Anh khoảng 800 triệu bảng (1 tỷ USD) mỗi tuần, theo báo cáo tháng 2/2019 của Bank of England. Trong khi đó, theo Lloyds Banking Group, tinh thần lạc quan của các doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 7 năm qua. Đáng chú ý, nước Anh đang chứng kiến đà suy giảm đầu tư dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ. Và ngay cả khi tiến trình Brexit diễn ra thuận lợi, các khoản đầu tư này cũng không thể hồi phục hoàn toàn.
Kể từ khi nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh, đồng bảng đã giảm giá hơn 10% so với euro. Diễn biến này làm gia tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy lạm phát và xói mòn sức mua của người tiêu dùng. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Anh thất bại trong việc tận dụng lợi thế từ đồng bảng Anh giảm giá để gia tăng thị phần.
Lĩnh vực tài chính xáo trộn
Để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình, rất nhiều doanh nghiệp đa quốc gia lớn đã rút vốn và nhân sự ra khỏi London - thành phố được mệnh danh là thủ phủ tài chính hàng đầu thế giới. Trong đó, 5 nhà băng lớn nhất đã chuyển ít nhất 750 tỷ euro (857 tỷ USD) ra khỏi nước Anh tới Frankfurt (Đức), theo thống kê của Bloomberg.
5 nhà băng lớn chuyển 750 tỷ euro ra khỏi nước Anh.
Chưa kể, ít nhất 275 công ty thuộc lĩnh vực tài chính đã chuyển hoặc đang chuyển dần hoạt động kinh doanh, tài sản, nhân sự ra khỏi biên giới nước Anh tới các địa điểm thuộc EU, theo tổ chức nghiên cứu New Financial.
Với việc vị trí thủ phủ tài chính khu vực châu Âu của London bị lung lay, các tập đoàn lớn cũng nhanh chóng di dời trụ sở chính của mình. Cụ thể, các nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản Sony Corp và Panasonic Corp, hãng bảo hiểm Chubb Ltd và hãng chuyển tiền TransferWise đều nằm trong số doanh nghiệp thiết lập trụ sở mới tại EU bên ngoài nước Anh.
Ô tô gánh chịu cơn bão
Brexit là một cơn bão khủng khiếp đối với các nhà sản xuất ô tô tại Anh. Vốn đang chịu khó khăn vì doanh số bán xe đi xuống, người tiêu dùng chuyển sang dùng xe điện, các nhà sản xuất ô tô lại lao đao vì viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung cấp linh phụ kiện và chịu thêm các khoản thuế khi xuất khẩu trong khu vực EU.
Jaguar Land Rover Automotive Plc thông báo sẽ cắt giảm tới 4.500 lao động tại Anh. Nissan Motor Co loại bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất mẫu X-Trail sport tại Đông Bắc nước Anh. Honda Motor Co cho biết sẽ đóng cửa nhà máy duy nhất tại Anh vào năm 2021. Mới đây nhất, Chủ tịch kiêm CEO của Toyota Motor châu Âu, ông Johan van Zyl cảnh báo, Toyota có thể chấm dứt hoạt động sản xuất tại Anh nếu nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào cụ thể.
Không riêng ngành công nghiệp ô tô, Airbus, một trong hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới thông báo, Công ty buộc phải tái định hướng hoạt động đầu tư trong tương lai ra khỏi nước Anh.
Trong vài ngày nữa, Quốc hội Anh sẽ phải đưa ra lựa chọn giữa Brexit không thỏa thuận, hoặc hoãn Brexit. Dù diễn biến tiếp theo như thế nào, các doanh nghiệp tại Anh đều đã chịu tổn thương và cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.