BOT: Chốt hãm đà rơi lợi nhuận của Becamex IJC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo tính toán của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC, mã IJC), mảng thu phí cầu đường tăng trưởng giúp đà đi xuống của lợi nhuận năm 2023 chậm hơn so với tốc độ suy giảm của mảng kinh doanh chính - bất động sản nhà ở.
Mảng hạ tầng giao thông đang mang lại dòng tiền ổn định cho Becamex IJC. Mảng hạ tầng giao thông đang mang lại dòng tiền ổn định cho Becamex IJC.

Mảng kinh doanh chính gặp khó

Năm 2022, dù đặt kế hoạch thận trọng nhưng cuối cùng Becamex IJC vẫn không đạt mục tiêu đề ra. Tổng doanh thu hợp nhất ghi nhận 2.002 tỷ đồng, tương đương 71% kế hoạch, giảm 24% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 511 tỷ đồng, tương ứng 75% so với kế hoạch, giảm 18% so với năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu của việc kết quả kinh doanh giảm mạnh, không đạt kế hoạch là mảng kinh doanh bất động sản - mảng vốn đóng góp chính trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của Công ty - gặp khó khăn. Cụ thể, doanh thu bất động sản đạt 1.159 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch, giảm 44% so với năm 2021. Doanh thu bất động sản của Becamex được ghi nhận từ các dự án: Sunflower I, Khu đô thị IJC, Khu dân cư Hòa Lợi, Khu nhà ở thương mại tại Khu dân cư ấp 4 Vĩnh Tân, Khu dân cư ấp 5B, Mỹ Phước 4 và các dự án khác.

Điểm sáng trong kinh doanh của Công ty năm qua là hoạt động thu phí giao thông (BOT), với doanh thu đạt 300 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch và tăng 56% so với kết quả thực hiện trong năm 2021. Việc khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội hậu Covid-19 giúp tổng lưu lượng xe lưu thông qua 2 trạm thu phí của Becamex IJC trong năm qua đạt 21.352.000 lượt xe, tăng 56% so với năm 2021.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Becamex IJC diễn ra mới đây, cổ đông đã chất vấn lãnh đạo Công ty về việc nợ quá hạn tăng 18% so với đầu kỳ. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2022, nợ quá hạn của Công ty là hơn 368 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ quá hạn trên 3 năm gần 255 tỷ đồng.

Theo giải trình của ông Trịnh Thanh Hùng, Tổng giám đốc Becamex IJC, các khoản nợ quá hạn chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Năm 2022, do chịu ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng, các khách hàng mua bất động sản không thể thu xếp được các khoản vốn để thanh toán đúng hạn cho Công ty.

“Các khoản nợ quá hạn này Công ty thực hiện thu lãi chậm thanh toán theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Theo quy định, khi khách hàng thanh toán 95% giá trị hợp đồng, Công ty mới tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho khách hàng. Nếu khách hàng vi phạm các điều khoản quy định trong hợp đồng, khi thanh lý hợp đồng, Công ty sẽ thu tiền lãi chậm thanh toán, phạt vi phạm hợp đồng, sau đó bán lại cho khách hàng mới. Do đó, khoản nợ quá hạn này Công ty không trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn”, ông Hùng nói.

Hiện Becamex IJC đang thực hiện 8 dự án, với quỹ đất 40 ha, chủ yếu là các phân khúc chung cư, thương mại dịch vụ, biệt thự… Trong thông điệp gửi cổ đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Quang Ngôn cho biết, thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh phân khúc trung bình, chú trọng mảng nhà ở công nhân và nhà ở xã hội theo chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Kỳ vọng vào “chốt hãm” BOT giao thông

Năm nay, Becamex IJC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 2% so với năm 2022.

Năm nay, Becamex IJC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 500 tỷ đồng, giảm 18% về doanh thu và 2% về lợi nhuận so với thực hiện trong năm ngoái.

Mảng kinh doanh bất động sản dự kiến tiếp tục đi xuống, với mục tiêu doanh thu đạt 800 tỷ đồng, giảm 31% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế 267 tỷ đồng, giảm 7%. Các dự án dự kiến triển khai đưa vào kinh doanh trong năm chủ yếu là các dự án tại các khu vực phường Hòa Phú, Thành phố mới Bình Dương.

Trong khi đó, mảng thu phí giao thông dự kiến tăng trưởng nhẹ. Theo đó, doanh thu kế hoạch của mảng này là 312 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 173 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 3% so với năm 2022. Doanh thu kinh doanh khác (cho thuê nhà, hoạt động xây dựng, hoạt động bất động sản sau đầu tư, tài chính…) là 522 tỷ đồng tương đương năm 2022.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động khó lường gây sức ép lớn đối với sự tăng trưởng của ngành bất động sản, hoạt động kinh doanh của Becamex IJC cũng sẽ ảnh hưởng. Đó là lý do chính Công ty rất thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm nay khi thị trường được dự báo có thể tiếp tục trầm lắng đến hết năm 2023.

Lãnh đạo Becamex IJC cho biết, trên cơ sở nhận định những thuận lợi và khó khăn về tình hình kinh tế trong nước, cũng như đánh giá triển vọng phát triển kinh tế tại địa bàn tỉnh Bình Dương, Công ty tiếp tục duy trì và phát triển các dự án BOT - hiện là tiềm lực và thế mạnh, phát triển những hoạt động kinh doanh cốt lõi như cho thuê bất động sản, hoạt động trung tâm thương mại, hoạt động khách sạn... Đây là các mảng mang về dòng tiền ổn định cho Công ty, tạo nội lực để Công ty khai thác và phát triển các dự án lớn trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2023 - 2030, Becamex dự kiến kinh doanh quỹ đất 44 ha. Hội đồng quản trị Công ty đã trình đại hội thông qua phương án điều chỉnh quy mô và tổng vốn đầu tư vào dự án Sunflower II (mở rộng).

Cụ thể, Becamex IJC tăng diện tích sử dụng đất từ 58.693,2 m2 lên 100.724 m2; quy mô dự án 109 căn biệt thự và 2.352 căn hộ chung cư giảm còn 1 căn nhà quản lý, 94 căn biệt thự và 1.344 căn hộ chung cư; quy mô dân số giảm từ 5.773 người xuống còn 3.222 người. Tổng vốn đầu tư của dự án cũng được điều chỉnh tăng 106% so với vốn dự kiến ban đầu được phê duyệt năm 2015.

Theo bà Võ Thị Huyền Trang, Phó tổng giám đốc Công ty, việc điều chỉnh diện tích xây dựng công trình 52.738,3 m2 là căn cứ diện tích đất thực tế nhận chuyển nhượng. Vốn đầu tư xây dựng công trình khi lập dự án vào thời điểm năm 2015 theo quy định của pháp luật không bao gồm giá trị sử dụng đất.

Đến năm 2020, việc xác định vốn đầu tư xây dựng trong quá trình theo quy định của pháp luật bao gồm chi phí xây dựng công trình và giá trị quyền sử dụng đất, chi phí lãi vay và các chi phí khác. Vì thế, Công ty thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ 1.457 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.

Để có tiền đầu tư và thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay ngân hàng, trái phiếu, tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, Becamex IJC đã thông qua phương án chào bán hơn 125,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 100:50 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được mua 50 cổ phiếu mới).

Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 - 2024. Số vốn 1.259 tỷ đồng dự kiến thu về từ đợt chào bán sẽ dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư góp vốn vào các công ty tiềm năng, thanh toán nợ gốc và lãi vay ngân hàng, trái phiếu, bổ sung vốn kinh doanh.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục