Báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Tư (16/10) cho thấy, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 9 giảm 0,3% so với tháng trước, khi các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu cho xe cộ, vật liệu xây dựng, sở thích cá nhân và mua hàng trực tuyến.
Trong khi đó dữ liệu tháng 8 đã được điều chỉnh cho thấy, doanh số bán lẻ tăng 0,6% thay vì 0,4% như báo cáo trước đây.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm lần đầu tiên sau 7 tháng.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2019, doanh số bán lẻ của Mỹ suy giảm. Không bao gồm doanh số bán ô tô, doanh số bán lẻ cũng giảm 0,1% trong tháng 9.
Trước đó, theo khảo sát của The Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, tổng doanh số trong tháng 9 sẽ tăng 0,2% so với tháng trước, cả bao gồm và không bao gồm doanh số bán ô tô.
Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán, chi tiêu cho tiêu dùng đã giảm lần đầu tiên sau 7 tháng trong bối cảnh những lo ngại về cuộc chiến thương mại kéo dài 15 tháng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và gây tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng, vố được coi là động lực của nền kinh tế.
Một số chuyên gia khác suy đoán, việc số lượng việc làm mới suy giảm trong tháng vừa qua cũng có thể là một nguyên nhân khiến người Mỹ thận trọng hơn về chi tiêu.
Chi tiêu cho tiêu dùng vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ khi chiếm hơn hai phần ba GDP nước này.
Các nhà kinh tế cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III xuống phạm vi 1,2% - 1,9%.
Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 2,0% trong II năm nay, chậm hơn rất nhiều so với với mức 3,1% trong quý đầu tiên. Chính phủ dự kiến sẽ công bố mức tăng trưởng GDP quý III vào cuối tháng này.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm lần đầu tiên từ tháng 2/2019 cho thấy rằng, sự yếu kém sản xuất có thể lây lan rộng hơn trong nền kinh tế, thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này.