Vấn đề nổi cộm suốt thời gian dài, đưa BBT vào ngõ cụt là Công ty thiếu hụt nguồn vốn lưu động nghiêm trọng. Tính đến cuối tháng 8, tổng số nợ của BBT lên tới 56 tỷ đồng, mỗi tháng mất gần 700 triệu đồng tiền lãi. Công ty ngừng hoàn toàn sản xuất từ ngày 12/7 tới nay và cổ phiếu BBT bị Sở GDCK TP. HCM đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 29/9.
Trong phiên họp vừa qua, HĐQT đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất phương án khôi phục sản xuất - kinh doanh bằng cách huy động vốn. Chi tiết của phương án này gồm một số điểm chính: BBT cần 65 tỷ đồng để trả một phần vốn vay và các công cụ nợ khác; Công ty sẽ bổ sung vốn từ tháng 12/2008 và điều chỉnh theo tiến độ thực tế, trong đó vốn lưu động là 15 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Ban điều hành xác định thời gian phục hồi đạt đến điểm hoà vốn của Công ty là tối thiểu 9 tháng, từ tháng 10/2008 đến tháng 6/2009. Giải pháp tạm thời trong thời gian chuẩn bị thủ tục huy động vốn là Ban điều hành sẽ đàm phán với một số nhà phân phối cung cấp nguyên vật liệu cho BBT theo đơn đặt hàng. Ngoài ra, Ban điều hành sẽ tiếp tục tích cực thu nợ. Phương án này được cả hai đại diện của Dệt May Gia Định có mặt tại buổi họp là ông Phan Thanh Quan và Bùi Văn Xuân đồng ý về cơ bản.
Để khôi phục sản xuất, BBT phải thực hiện lại việc tái cấu trúc Công ty. Về việc này, HĐQT thống nhất thông qua phương án tinh giảm lao động do Ban điều hành đề xuất. Theo đó, BBT sẽ tinh giảm khoảng 48% lao động và số lao động trực tiếp tại nhà máy chỉ còn khoảng 80 người, khối gián tiếp là 20 người, khối bán hàng 30 người. BBT đầu tư tăng năng suất và chất lượng bông y tế và bông vệ sinh tai; đầu tư ngành gạc giai đoạn hai; đầu tư dây chuyền sản xuất một số sản phẩm mới như tăm bông y tế, khẩu trang và ngưng sản xuất băng vệ sinh, bông tẩy trang.
Trước đó, UBCK đã gửi Công văn số 1850/UBCK-QLPH đề nghị BBT mời đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán lại các báo cáo tài chính của Công ty từ năm 2005 tới nay; xác định thực chất tình trạng tài chính, sau đó quy trách nhiệm, sai phạm cho từng cá nhân cụ thể. Về việc này, các thành viên HĐQT đã đạt được sự đồng thuận ban đầu. Theo đó, trước mắt HĐQT giao cho Tổng giám đốc Tạ Xuân Thọ ký kết hợp đồng kiểm toán 6 tháng đầu năm với Công ty kiểm toán CA&A - do phía Dệt May Gia Định giới thiệu. Việc kiểm toán những năm trước, HĐQT đề nghị sau đó Ban điều hành BBT sẽ làm việc với UBCK. Tuy nhiên, ông Thọ vẫn kiến nghị, việc kiểm toán phải được tiến hành từ năm 2004, do báo cáo kiểm toán năm đó còn nhiều điểm loại trừ ảnh hưởng đến số dư đầu kỳ của năm 2005.
Việc yêu cầu họp ĐHCĐ, Công văn số 132/2008/CV - HĐQT do Tổng giám đốc Dệt May Gia Định Lê Đông Triều đề nghị từ ngày 18/8, một số thành viên HĐQT kiến nghị, do việc yêu cầu tổ chức ĐHCĐ bất thường đã quá thời hạn 1 tháng nên việc này nằm ngoài phạm vi của HĐQT. Theo Luật, Ban kiểm soát sẽ thực hiện. Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông liên tục ít nhất 6 tháng có quyền đề nghị tổ chức ĐHCĐ. Các thành viên HĐQT BBT cũng thống nhất sửa đổi điều lệ Công ty cho phù hợp với pháp luật hiện hành, lập quy chế quản lý nội bộ Công ty...
Trao đổi với ĐTCK về khả năng BBT bị ngừng niêm yết, ông Thọ cho biết, việc ngừng niêm yết chưa có tiền lệ tại TTCK Việt Nam nhưng trong thời gian còn lại của năm 2008, Ban điều hành cố gắng để Công ty phục hồi. Trong nửa đầu năm, BBT đã lỗ khoảng 4,54 tỷ đồng. Vấn đề là thời gian còn lại của năm 2008 rất ngắn, liệu có đủ để Ban điều hành Công ty đưa BBT trở lại sản xuất và đủ điều kiện niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.